Cô Gái Việt

header photo

 

 

 

THƯ CẢM TẠ

Chân thành kính gửi đến muôn phương

Bằng hữu, thân nhân, hãy tỏ tường

Nhờ lắm sẻ chia vơi khổ lụy 

Được nhiều an ủi bớt sầu thương

Những tâm hồn nghẹn giờ thanh tĩnh

Những trái tim đau đã bớt buồn

Tang chủ toàn gia xin cảm tạ 

Chân thành kính gửi đến muôn phương.

Phương Hoa - MAR 8, 2024

Thay mặt gia đình Trịnh & Nguyễn

TÌNH THƯƠNG

(Thay Lời Cảm Ơn các chị em và các bạn.)

Tình thương xoa dịu nỗi buồn

Tình thơ cảm xúc lệ tuôn ngập lòng

Tình người hơn cả đợi mong

Tình thi nhân ấy cũng đồng tâm giao

Tình bạn bè đẹp xiết bao!

Tình trao nhau để ngọt ngào thiên thu

Tình đời vốn kiếp phù du

Tình bao la khiến mây mù xóa tan…

Phương Hoa 

Một lần nữa P. Hoa xin kính lời cảm ơn tất cả.

 

Cáo Phó và Tang Gia Cảm Tạ

CÁO PHÓ

Xin cám ơn tất cả các bạn, các em yêu quí trong DIỄN ĐÀN CGV và DIỄN ĐÀN MCTD đã thương yêu HT,  quan tâm chia sẻ, phân ưu cho biến cố quá đau buồn của HT và gia đình.

HT biết rằng ai cũng phải chết NHƯNG ANH VIÊN CHẾT QUÁ TỨC TƯỞI; HT NGHĨ LÀ SỰ KÉM HIỂU BIẾT VÀ BẤT CẨN của BS và nhà thương đã làm anh VIÊN PHẢI RA ĐI SỚM NHƯ VẬY. Đêm đó HT Ở LẠI NHÀ THƯƠNG VỚI ANH VIÊN VÀ CHỨNG KIẾN TẤT CẢ. Sẽ kể chi tiết sau. Anh rời nhà trưa thứ 6 để chỉ đi khám tim như thường lệ rồi tất cả xẩy ra như một ác mộng và anh không bao giờ trở về nhà nữa. HT đau đớn quá các bạn và các em ơi.

HT rất cám ơn các bài thơ, các lời chia sẻ đầy thương yêu và công khó nhọc của SONG THY, và các em làm thơ ảnh. Cám ơn KIM OANH, PHƯƠNG HOA, PHƯƠNG THÚY đã làm những trang tưởng niệm đặc biệt TRONG CÁC TRANG WEB CGV, VTLV, LHVL.  HT SẼ NHỚ MÃI TÌNH CẢM TẤT CẢ CÁC CGV và MCTD DÀNH CHO HT.

LOVE

Hồng Thủy TV

CE CGV kính tiễn anh Bùi Cửu Viên, phu quân của CGV Hồng Thủy

VĨNH BIỆT ANH

(Viết cho chị Hồng Thủy. Hôm nay April 21- 2023 bắt đầu tang lễ anh Bùi Cửu Viên.)

 

Em mở cửa sân trước

Chẳng thấy bóng anh đâu

Em mở cửa sân sau

Đóa hoa sầu mới nở.

 

Tưởng anh đi đâu đó

Chốc nữa sẽ trở về

Xe anh đậu trước cửa

Rồi anh bước vào nhà.

 

Tưởng anh ra vườn sau

Mùa đang thay hoa lá

Tách cà phê có nhau

Em đợi chờ anh nhé.

 

Tìm anh từ trong nhà

Tìm anh ra ngoài phố

Em nghe trong nắng gió

Ru hời tiếng cầu kinh.

 

Em đã gọi tên anh

Cả trăm lần thương nhớ

Không một tiếng hồi âm

Chỉ tiếng em nức nở.

 

Anh đã đi xa lắm

Anh bỏ cả người thương

Mc Donald đường vắng

Gaithersburg phố buồn.

 

Em khóc theo ngọn nến

Lung linh bóng hình anh

Quan tài vòng hoa trắng

Vĩnh biệt người trăm năm.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

 (April 21, 2023)

 

 

TIỄN BIỆT ĐẠI TÁ BÙI CỬU VIÊN

(Tặng Hồng Thủy)

 

Kinh tiễn anh Viên, người Hạm trưởng

Nhân từ, hòa nhã, nhiều tình thương

Cứu người vượt biển ngàn nhân mạng

Kinh nghiệm, hào hùng nơi đại dương.

 

Hơn sáu mươi năm với vợ hiền

Gia đinh hạnh phúc thật thần tiên

Con ngoan, cháu thảo, bạn bè mến

Anh về với Chúa lúc cao niên.

 

Hồng Thủy xin em bớt muộn phiền

Đại tá bao năm tròn nhiệm vụ

Nước Chúa, mong anh huởng phước nhàn

Giữ gìn sức khỏe, Thủy yêu quý.

 

Ngọc Hạnh và gia đình

Ngày 21/4/2023

NGƯỜI HẠM TRƯỞNG BẤT ĐẮC DĨ

(Những chi tiết trong bài viết lấy ra từ cuộc phỏng vấn Cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên của đài RFA do cô Hòa Ái phụ trách ngày 18/3/2015.)

            Một ngày tang thương của 48 năm về trước, khoảng 8:30 tối ngày 29/4/1975 gia đình đại tá Hải Quân Bùi Cửu Viên vội vã xuống dương vận hạm HQ 801 trong Hải Quân Công Xưởng để rời khỏi Việt Nam. Chiến hạm đó đang trong tình trạng sửa chữa và chỉ chạy được một máy. Khi tàu chạy ra tới Nhà Bè thì các cơ khí viên của chiến hạm đã sửa tiếp được máy số 2. Như vậy tàu đã có được hai máy để chạy ra biển.

            Khi chiếc tàu đi tới ngã 4 Lòng Tảo (Lòng Tàu)  và Soài Rạp thì thấy Soái hạm Trần Hưng Đạo 01 bị nạn đang đánh đèn và và gọi vô tuyến điện kêu cứu. Đại Tá Viên quá mệt mỏi sau một ngày biến cố dồn dập, anh ngồi trên sân cờ cùng một số Sĩ Quan di tản.  Lúc bấy giờ Hạm Trưởng chiếc HQ 801 là Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá từ trên đài chỉ huy chạy xuống hỏi Đại Tá Viên:

- Commandant, mình có cứu nó được không?

- Nếu anh quay lại, tôi có thể cứu được.

Lúc bấy giờ chiếc HQ 801 đã đi qua khỏi HQ Trần Hưng Đạo một hải lý rưỡi rồi. Đồng hồ chỉ lúc đó là 12:30 sáng , nếu quay lại cứu thì khi ra khỏi Vũng Tàu trời sáng tỏ có thể bị địch trên núi bắn xuống rất nguy hiểm cho mấy ngàn người ở trên tàu. Trong tình trạng khẩn cấp và nan giải đó Đại tá Viên nghĩ tới lời thề của mình trong thời gian huấn luyện trong quân trường. Các Sĩ Quan người Pháp luôn nhắc nhở: " Nếu người Sĩ Quan Hải Quân gặp người lâm nạn trên biển cả mà không cứu thì các anh không xứng đáng là người Sĩ Quan Hải Quân" Anh nhìn Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá và quyết định: "Phải cứu chiến hạm, Người ta gặp nạn thì mình phải cứu." Hạm trưởng Bá đồng ý quay tàu và giao tay lái cho Đại tá Viên: ' Thôi! Đại Tá lái đi"

            Chiếc HQ 801 quay đầu lại và ra lệnh cột dây để kéo chiếc tàu Trần Hưng Đạo ra giữa sông. Vừa kéo ra được một quãng, khi hai chiếc tàu cập sát nhau thì những người trên soái hạm HQ 01 đã nhảy sang tàu HQ 801. Chỉ trong vòng 5 phút đồng hồ mà có vài trăm người đã nhảy qua. Điều đó vô cùng nguy hiểm vì khi tàu ra tới giữa sông, hai tàu sẽ dang ra và người ta sẽ rớt xuống biển. Đại Tá Viên ra lệnh cho các thủy thủ bắn súng chỉ thiên để chấm dứt tình trạng vô cùng hung hiểm này. Khi chiếc HQ 01 ra được giữa sông anh toát mồ hôi hột. Quyết định chí mạng của anh nếu không thành công hai tàu sẽ đụng vào nhau trong đêm tối có thể giết chết bao nhiêu mạng người trên cả hai con tàu. Vững tin vào tài điều khiển đầy kinh nghiệm của một sĩ quan Hải Quân 21 năm trên sông nước anh đã cứu được mấy ngàn người trong đường tơ kẽ tóc.  Chiếc Trần Hưng Đạo HQ 01 ra khỏi vùng nguy hiểm bắt đầu chạy theo chiếc HQ 801 dẫn ra tới biển an toàn không bị phát hiện hay bị địch trên núi bắn xuống.

            Lúc tàu HQ 801 gần tới Phan Thiết chiến hạm nhận được lệnh của Tư lệnh Hải Quân: ' Tất cả các chiến hạm phải tập trung tại Côn Sơn để chuẩn bị đi Subic Bay" Gia đình Hạm Trưởng Nguyễn Phú Bá không muốn đi và muốn ông phải lái tàu về lại Sài Gòn. Đại Tá Viên không đồng ý vì nếu tàu về Sài Gòn thì mấy mấy ngàn người di tản đang ở trên tàu phải kẹt lại hết. Ông quyết định nói chuyện trên vô tuyến với ngài Tư Lệnh Hải Quân. Cuối cùng Tư Lệnh quyết định cho một chiếc tàu dầu đến đón những người muốn trở về Sài Gòn vì gia đình còn kẹt lại và ra lệnh:

- Toi lái chiếc tàu đó đi . Toi làm hạm trưởng.

Đó là nguyên nhân của cái tên :"Hạm Trưởng Bất Đắc Dĩ" mà sau này anh Viên hay nói. Bởi vì anh đã không làm hạm trưởng 11 năm từ năm 1964  mặc dù anh vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ. Vậy mà đến phút chót  của VNCH anh lại làm hạm trưởng lần cuối cùng với con tàu này. Anh nói: " Đó là cái duyên của mình với Hải Quân."

            Tàu tiếp tục rời Côn Sơn đến Subic Bay. Tại đây tất cả quân nhân VNCH phải cởi bỏ hết quân phục và trao trả chiếc tàu lại cho Hải quân Mỹ. Tại đây cờ VNCH phải kéo xuống và người Mỹ kéo cờ của họ lên. Chính thể VNCH đã bị giải thể. Nước mắt của những người lưu vong rơi xuống như chia tay một trang chiến sử. Từ đây giữa một nơi không phải là VN họ là những người lưu vong không còn nơi chốn để về.

Đại tá Viên kể lại cuộc đời mình trong phần phỏng vấn của đài RFA trong ngậm ngùi. Anh nói:

- Lúc bấy giờ trong lòng tôi rất xúc động. Tôi không biết kể từ nay cuộc đời mình sẽ trôi nổi ra làm sao…Và khi tôi bỏ chiếc nón với cặp lon xuống dưới sàn tàu thì tôi nghĩ là từ nay mình có cuộc đời khác hẳn. Các sĩ quan cũng như các thủy thủ đến bên cạnh tôi, các anh em ôm lấy nhau cũng chỉ muốn khóc.

            Một điều thật đẹp nữa là trong vòng 5 phút hai tàu cập sát vào nhau, 200 người đã nhảy từ HQ 801 sang HQ 01 có ông Nguyễn Văn Khanh  hiện tại đang là Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do đơn vị phỏng vấn anh. Nếu lúc ấy Đại Tá Viên không quyết định cứu người thì có lẽ bây giờ không có một Nguyễn Văn Khanh.

            Các bạn biết không? Vị cựu đại tá VNCH Bùi Cửu Viên đã cứu bao ngàn người trên soái hạm Trần Hưng Đạo HQ 01 mà mọi người yêu kính . Người hạm trưởng đầu tiên của con tàu HQ 501 mà anh nhận từ Mỹ năm 1962 cho VNCH lúc anh mới là Đại Úy. Anh đã yên bình ra đi lúc 1:20 sáng ngày thứ Ba 11 tháng 4 năm 2023 thọ 92 tuổi. Vị ân nhân của mấy ngàn người di tản năm 1975 đã thật sự ra khơi và mãi mãi không về.

            Chúng tôi, nhóm Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông và Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ gọi anh Viên là anh rể với tất cả kính trọng lẫn thương yêu. Anh là phu quân của Trưng Vương Hồng Thủy chủ tịch VBHNVĐBHK. Anh Viên là một người hiền lành, vui tính và hiếu khách. Anh canh cánh bên lòng tâm sự một người lưu vong. Sau khi về hưu, anh là hậu phương luôn hỗ trợ chị trong các công tác hoạt động cộng đồng và bảo toàn văn hóa. Ai gặp anh một lần là nhớ hoài vì sự tốt bụng và thân ái của anh.

            Anh chị là chuyện tình đẹp giữa một hoa khôi Trưng Vương và một Sĩ Quan Hải Quân đẹp trai tài giỏi. Họ cưới nhau đã được 60 năm và sống rất đẹp. Chữ ĐẸP tôi dùng đầy đủ ý nghĩa cho một cuộc sống hôn nhân mỹ mãn. Anh chị yêu nhau tương kính như tân. Anh hiền hòa tế nhị, chị dịu dàng đoan trang. Các con đều hiếu thuận và có cuộc sống thành công ở xứ người . Anh chị hiện cư ngụ ở thành phố Gaithersburg, bang Maryland, Hoa Kỳ.

            Chúng tôi thường gọi chị Hồng Thủy là Chị Yêu bởi vì ngoài dung nhan xinh đẹp, trẻ trung hơn số tuổi, chị còn là một nhà văn một người hết lòng để bảo toàn văn hóa Việt. Chị là chủ bút của Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, thành viên của Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Nhà Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn. Đối với chúng tôi chị Hồng Thủy là một người chị luôn quan tâm lo lắng cho mọi người. Chị khéo léo và giải quyết những vấn đề gặp phải với sự tế nhị và cương quyết.

            Nhà chị là nơi những người bạn thân thường đến dường như mỗi năm vào tháng ba, tháng tư để được anh chị hướng dẫn đi thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thưởng thức, ngắm hoa Anh Đào nở rộ xinh đẹp. Năm nay cũng đầu tháng tư nhóm chúng tôi tổ chức đi chơi. Tôi không tham dự vì đã có chuyến đi chơi Hy Lạp trùng với thời gian này.  Khi các anh chị về kể lại là anh Viên tuy đã 92 mà trông rất khỏe. Anh trẻ đi trên 10 tuổi. Anh lái xe ra tận phi trường để đón mọi người dù đi về gần hai tiếng. Mỗi sáng anh dậy thật sớm pha cà phê, nước trà, chiên trứng làm điểm tâm cho từng người. Đó là phong thái và cách phục vụ khách lâu nay của anh. Nhà anh chị tràn ngập tiếng cười vì những câu pha trò duyên dáng, những thức ăn thật ngon do chị nấu và anh mời mọc chân thành. Mọi người trao đổi với nhau những mẫu chuyện vui ai ai cũng khen anh chị hiếu khách. Nhất là anh đã tiếp đãi khách của vợ một cách hết lòng.  

            Vậy mà khi những câu chuyện, những bài viết về chuyến đi chưa chấm dứt thì hung tin đã đến với mọi người. Chị Hồng Thủy gọi với tiếng khóc nức nở : "Em ơi! Anh đã đi rồi" Chỉ mới một tuần thôi, niềm vui chưa hết dư âm thì nỗi đau làm mọi người như đóng băng vì sửng sốt. Anh đi rồi, chị sẽ ra sao đây. 60 năm chồng vợ, anh chị quấn quít yêu thương nhau, căn nhà rộng thênh thang vì các con đều ra riêng tự lập, chị sẽ cô đơn và đau đớn lắm.

30/4/1975 người Việt lưu vong trên những xứ sở tự do vẫn nhớ hoài ngày tang thương đó. Ngày đất nước VN thay ngôi đổi chủ, lá cờ vàng bị kéo xuống vùi dập tả tơi. Ngày những người lính chiến VNCH oai hùng bị làm kẻ tội đồ dân tộc. Ngày của những vị anh hùng tuẫn tiết hy sinh. Ngày mà mọi người dân miền Nam rơi vào khủng hoảng.

            Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do.  Bây giờ 48 năm sau cũng vào tháng tư anh bỏ lại tất cả để về nước Chúa.

            Mấy hôm nay chúng tôi đã gửi đến chị Hồng Thủy và gia đình những lời chia buồn chân thành nhất. Trong thâm tâm tất cả mọi người chúng tôi anh Viên như một người anh rộng lượng và chăm chút em út. Anh ra đi để lại sự kính trọng lẫn thương tiếc cho biết bao người.

            Chị ơi!

            Hãy cố gắng vượt qua sự mất mát to lớn này. Chị hãy tin là anh được Chúa rước về thiên đàng vì nơi chốn này anh đã làm được nhiều điều tốt đẹp vui lòng Chúa.

            Em không biết phải nói gì để chị biết em đang rơi nước mắt vì thương chị quá đổi mà không biết phải làm gì hơn.

            Giữ gìn sức khỏe và bình an nha chị. Chúng em luôn bên cạnh chị và tin tưởng rằng chị Hồng Thủy của chúng em, người chị tài ba sẽ kiên cường đối diện với mọi tình huống.

            Cầu nguyện linh hồn anh An Bình nơi nước Chúa

Nguyện ơn trên cho chị đủ sức mạnh để vượt qua tất cả.

Nguyễn thị Thêm

15/4/1975

TẠ ƠN ÂN NHÂN

(Viết lại theo lời kể của một người tị nạn trên Soái Hạm HQ1 ngày 30/04 Trung Uý Đỗ Trung Quân.)

            Những ngày cuối tháng Tư/1975, dân chúng ở Sài Gòn (SG) hoảng loạn vô cùng, ai cũng muốn tránh CS, chỉ muốn tìm đường chạy. Bằng cách nào, muốn đi đâu cũng cần tiền. Tôi khi đó, một vợ và một con thơ mới 10 tháng tuổi, đang được ở SG, (cũng do mới bị thương trên chiến trường, được tạm làm trong An Ninh quân đội). Ngày thì đôn  đáo tìm đường đi, rồi việc sở, tối thì thao thức. Sáng ngày 24 tháng Tư, còn chập chờn thì thấy đầu giường mình, người bạn quân ngũ dạo còn trong Sư Đoàn Bộ Bình, mặt tươi tắn, nói :”Quân ơi, cố lên đi, mọi sự sẽ ổn, tớ luôn giúp cậu.” Thì ra mình vừa nằm mơ, không hiểu sẽ có chuyện gì sẩy ra, vội vào sở . Tới nơi thì được xếp chỉ thị đi đón một gia đình hải quân, đưa về căn cứ ở bến Bạch Đằng. Tới cổng, có người lính ra đón. Sau khi xem giấy tờ, đếm số người rồi đưa tất cả và một ngôi nhà gần đó. Chợt thấy tôi là tài xế, anh ta vội chạy ra nói: “Anh Quân đấy hả?” Thì ra người này là em ruột của một bạn cùng khóa Bộ Binh. Anh ta nói nhỏ: “Anh nên vào ngay chiều nay đi!” Vui mừng khôn siết, tôi vội về đón vợ con và đem theo vỏn vẹn một bịch đồ cho cháu bé gồm mấy hộp sữa bột, bình nhựa lớn nước lọc, và mấy chục bao mì gói. Lại chính người em bạn này đón và đưa vào một căn nhà ngay góc cổng (sau này mới biết đây là nhà của Đại tá hải quân V. K. Luân).Vô nhà thì đã thấy nhiều người trong đó. Tuyệt nhiên tôi không giáp mặt chủ nhà mà chỉ thấy một bà cụ và vài cháu trai nhỏ cỡ 9,10 tuổi, nghe nói là người trông nhà giùm. Ai cũng thầm hiểu ngồi đây để chờ phút lên tầu, nhưng không ai biết giờ nào và sẽ được lên tầu nào? Ai nấy đều giữ im lặng. Xung quanh hàng xóm cũng không thấy người ra vào. Đây là khu Gia Bình, qua đường là tới khu trại lính. Thỉnh thoảng tôi thấy một cháu nhỏ, băng đường qua phía bên kia, không trở lại. Lạ quá là bà cụ cũng biến đi đâu luôn, chẳng ai biết. Có vài người bắt chước băng qua đường làm như mấy cháu nhỏ, nhưng lại phải quay về vì họ không cho vào.

            Đợi chờ mỏi mệt... Đã vài ngày lặng lẽ, không động tĩnh, tôi bèn quyết định xách bịch sữa, vợ tôi thì địu cháu, bỏ nhà, ra đường, đi về phía bến. Mới đi qua vài căn nhà thì nghe tiếng gọi “Quân! Mày đi đâu đó?” Tìm ra nơi phát ra tiếng nói thì tôi vội đi sát bờ tường, qua một khung sắt nhỏ bằng hai quyển vở, lộ ra một khuôn mặt,l ại đúng là mặt của một người bạn thân, đang được làm lính bảo vệ cho một vị lớn. Tôi ghé sát tai vô cái khung sắt nhỏ đó thì được nghe như sau: “Đi ngay thôi! 5 vị tướng sáng nay vào cả rồi”!Tôi vội vàng chạy lại nắm tay vợ đi tiếp về phía tầu đỗ. Trên một Soái Hạm sát bờ, có vài người trên bong tầu đang thả dây thừng kéo người lên... Tôi bèn đặt cái túi nặng xuống đất và nhấc cháu địu chặt sau lưng và túm lấy một dây. Vừa địu con sau lưng vừa giúp vợ leo lên bong tầu. Khi lên tới bong tầu mới phát hiện quên cái bịch lương thực của con. Tôi la vọng xuống “Ai làm ơn đeo cái bịch của tôi dưới đó, tôi sẽ kéo lên ngay.” May sao có một thanh niên chụp ngay cái bịch. Thế là tôi khéo anh ta lên, rồi còn giúp cho vài người khác nữa... Nhìn vào bên trong thì ôi thôi, người đông nghẹt, chẳng biết họ lên từ bao giờ và đi vào bằng cách nào? Định thần lại thì mới biết mình đang ở trên Soái Hạm HQ1. Loay hoay một lúc tôi kiếm cho gia đĩnh nhỏ bé của tôi được một chỗ trú kín đáo, đó là ngay ổ súng đại bác đen ngòm, rất to ở đuôi tầu.

            Hôm nay là ngày 28/04, Soái Hạm rời bến lúc 7 g chiều. Ngoảnh nhìn thì chao ôi, người chạy bộ, nguời lái xe gắn máy đuổi theo tầu, miệng la, ó, tay ngoắc, vẫy... Không sao ngăn được nước mắt! Soái hạm đi được khoảng 1 giờ thì tới khu Rừng Sát. Bóng tối bao trùm vạn vật. Mải lo cho vợ con, tôi không biết tầu đã ngưng chạy vì vừa ủi vào bãi cát, bị sa lầy. Loa phóng thanh vang lên “Yêu cầu mọi người lui về phía sau cho phần mũi húc vào cát được nhẹ đi, hầu dễ bề lùi ra sau.” Máy tầu rú lên từng hồi... Cố công mấy cũng vô hiệu quả! Nhìn vô rừng thì mênh mông đen ngòm, lâu lâu lại loé lên một chùm sáng, hẳn là chiến trận đôi nơi còn tiếp diễn... Lòng thầm nhủ: “Nếu không ra khỏi nơi đây thì sớm mai, Cộng  quân thấy được thì chỉ có nước chết!” Đã có một giây nghĩ: “Giá ở SG thì còn kiếm được đường chạy chứ nơi đây, biết trốn nơi đâu?”

Thật là hãi hùng! Trong khi đó, nhìn ra sông thì thi thoảng lại có một Soái Hạm hoặc tầu lớn đi từ phía SG tiến ra khơi, ngang qua HQ1 của mình! HQ1 kêu cứu nhưng chả con tầu nào ngừng lại giúp mình. Tôi cũng như mọi người, dõi mắt nhìn theo từng con tầu xa dần, nhỏ dần rồi mất hút trong đại dương, lòng tràn nỗi tuyệt vọng,cay đắng!

            Tới gần sáng ngày 29/04 thì có một Soái Hạm từ phía SG đi ra, lướt qua HQ1, tiến ra biển như những tầu khác... Lại nhỏ dần! Nhỏ dần... Thêm  tuyệt vọng một lần nữa! Tôi dõi mắt nhìn theo, cúi đầu cầu nguyện... Sau một hồi, ô kìa! Cái chấm nhỏ ấy lại to dần, to dần. Tôi sửng sốt, không lý tầu trở lại cứu mình? Hay là tàu nào đó có nhiệm vụ đặc biệt trở lại SG, hoặc giả tầu buôn nước nào? Tôi cố kìm nỗi vui mừng, cho là tâm trí mình hoảng loạn do quá mơ ước? Vợ tôi mắt tinh lắm, nói “Đúng là soái hạm 801 ban sáng vừa qua đây đó!” Soái hạm đã trở lại thật và đã thành công kéo HQ1 ra giữa dòng sông! Không sao tả hết nỗi mừng vui của cả ngàn thuyền nhân lúc bấy giờ! Những người từ cõi tử được quay về với sự sống !

            Ai nấy đều không ngớt lời cám ơn và ca tụng vị Soái Hạm Bùi Cửu Viên đã có quyết định can đảm và nhân từ, quay về cứu giúp bao nhiêu sinh mạng con người giữa lúc thập tử nhất sinh! Tên vị Soái Hạm Trưởng, tôi không bao giờ quên, nhưng dòng đời tất bật, mới đây tôi mới được biết là quý ân nhân này còn khoẻ, ngay trên đất Mỹ và gia đình rất hạnh phúc.

            Cầu xin ân nhân và gia đình mãi được bảo bọc trong tình yêu Thiên Chúa.

Thanh Hòa

Giã Biệt Anh Bùi Cửu Viên

Đêm ngày 10 tháng 4 (sau lễ Phục Sinh), lúc 12 giờ đêm, nhận text message từ chị Phương Hoa (PH) nhắn “MT ơi, anh Viên mất rồi...” Tôi bàng hoàng sững sờ, lục số phone chị PH để gọi lại, nhưng tay run lẩy bẩy tìm một hồi rất lâu mới được vì con mắt hoa lên.

Hôm nay buổi sớm thức dậy, mở tung cánh cửa sổ, trời nắng ấm sau đêm mưa dài, cây cối còn đọng những giọt nước mưa long lanh. Lại tiếp tục một ngày sống... Nhớ sự việc vừa xảy ra, tôi nghe tim nhói, hồi hộp theo nhịp thở. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về vây bủa, đầu óc nhức buốt theo chuyện sinh ly tử biệt, nhớ những điều Phật dạy “chúng ta hãy nhìn nhận sự thật. Cái sự thật ấy nó diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của mỗi cá nhân”. Tôi cố gắng hít sâu thở dài để tránh vướng mắc vào rối loạn tâm lý; nghĩ mông lung, nghĩ xa vời rồi trầm mình trong sự buồn đau thì tâm hồn sẽ bị khô héo gục ngã nhanh chóng. Vươn vai đón nhận ngày mới, vợ chồng tôi đến thăm người chị họ bị gãy xương chân đang nằm trong bệnh viện. Ba giờ chiều về lại muốn quên thực tại, vùi đầu ngồi họa bảy bài thơ bên Hội Thơ Đường để tránh suy nghĩ điều khác. Nhưng không dễ, đêm vẫn nhớ người anh đáng kính của mình, tôi muốn viết đôi điều để giải tỏa tâm tư cho vơi bớt phần nào nỗi buồn...

Tôi gia nhập vào hội Văn Bút Miền Đông Bắc Hoa Kỳ dưới sự điều hành của chị Hồng Thuỷ. Đầu tháng tư năm 2019, chị Hồng Thuỷ mời chúng tôi gồm chị Đỗ Dung, chị Phương Hoa và tôi qua dự buổi ra mắt sách “Tuyển Tập Văn Bút Miền Đông”, sau nữa là ngắm hoa anh đào nở đúng mùa. Vợ chồng anh Đức và chị Bội Hằng cũng lên ở lại nhà anh chị, nên tiện đón chúng tôi.

            Tấm lòng anh chị luôn rộng mở với khách thập phương từ hội Trưng Vương, hội Văn Bút cùng nhiều hội nữa. Hình ảnh đầu tiên gặp anh, người đàn ông có dáng cao, thanh nhã, lịch sự và rất đẹp trai. Tôi nghĩ thầm “tới tuổi gần 90 nhưng nét đẹp vẫn còn lưu lại trên gương mặt so với bao người già đã bị thời gian tàn phá, huống hồ gì lúc thanh niên có lẽ giữ ngôi vị hoa vương”.

Anh bày tỏ sự thân thiện, khoe chúng tôi tờ giấy in những món ăn sáng cho cả tuần. Mỗi sáng anh dậy thật sớm pha cà phê, nướng bánh mì, tráng trứng, chiên lạp xưởng hoặc bày nhiều món khác, ép ăn trước khi đi chơi, chưa kể anh còn hâm ly sữa nóng để trước mặt chúng tôi bắt uống nữa. Anh chở đi xem hoa anh đào dọc theo Tidal Basin, đài tưởng niệm tổng thống Franklin Roosevelt, công viên Vietnam Memorial, tượng đài TT Abraham Lincoln, tháp bút chì Washington Monument, Capitol Building (Quốc Hội), Washington Mall, khu Kenwood. Những nơi không có chỗ đậu xe, anh phải chạy vòng vòng chờ các chị em cợt nắng đùa hoa, ẻo lả chơi vơi du hồn thả mộng quên luôn ông anh gồng mình hy sinh mấy tiếng đồng hồ. Những chỗ được đậu xe anh đóng vai trò đạo diễn và nhiếp ảnh gia mờ mắt theo sự say mê đóng phim của mấy cô em.
            Đêm họp mặt tại nhà hàng Harvest Moon thuộc tiểu bang Virginia được gặp mặt đông đủ các hội viên. Qua lời kể lại của các chị ngồi chung bàn: anh là chiến sĩ Hải Quân của VNCH với cấp bậc Đại Tá trước năm 75. Ngày mất nước, theo luồng sóng đưa đẩy, gia đình anh chị đã xuống thuyền, và cứu vớt ba ngàn dân bởi chiếc tàu khác bị mắc cạn trên sông.

Mỗi tối được chị Hồng Thuỷ nấu đủ các món ngon nhất trên đời, trong buổi dùng cơm nói chuyện cùng nhau, anh Viên tâm tình: Anh có nỗi băn khoăn bứt rứt của kẻ ra đi bỏ lại quê hương điêu tàn. Anh lầm lũi sống âm thầm và có quan niệm nhìn về hiện tại, bắt tay vào đời sống mới, muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội, đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang. Bước đầu anh chị cũng vất vả như bao người, không từ nan những việc cực nhọc nhất lo cho con cái ăn học. Khi kết quả các con đã thành danh, thành tài, chị có thời gian rảnh rỗi, đã tích cực tham gia những hoạt động xã hội nhiều hơn và anh luôn là người yểm trợ sau lưng.

Chuyến thứ hai vào tháng 10 năm 2021. Nhóm gồm chị Phương Hoa, chị Kim Phú và tôi dùng vé bị đình lại của năm 2020 bởi dịch Coronavirus bùng khởi. Đêm bước xuống phi trường Dulles, trời gió lạnh. Trong lúc đứng chờ lấy hành lý đã thấy ông anh tuổi trên 90 đi rảo quanh tìm kiếm chúng tôi, hình ảnh đó mãi ăn sâu tâm trí, trong tim tôi cảm xúc dạt dào,thêm vào nữa có tô bún riêu cua do người chị 80 tuổi nấu sẵn chờ chúng tôi về, cùng có mặt chị Phan Lang qua trước một ngày.

Đến nhà vẫn cảnh cũ màn hai, anh Viên cũng tuyên bố như lần đầu lúc chúng tôi đòi vào bếp “bước vào nhà này phải tuân hành theo chủ nhà không được trái ý”, nghĩa là mỗi sáng chỉ mình anh được quyền đứng bếp, hỏi từng người dùng gì, uống gì, ăn gì để anh phục vụ và ..ép ăn thức bổ dưỡng.

Chúng tôi dự tiệc họp mặt VBVNHN cũng như ra mắt tuyển tập. Những ngày khác đến nhà Cung Lan, Phương Thuý vui tiếp. Rồi đến khu thương mại Eden tham gia hội sách triển lãm ngoài trời do Nhà Việt Nam, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn, và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại phối hợp. Có một ngày anh Cửu Viên kêu gọi nhiều nơi thuê xe lớn, tiện việc đi cùng một xe vào rừng ngắm lá vàng Skyline Drive, nhưng hết xe nên anh chị lái hai chiếc. Đi và về cũng như chạy vòng vòng trong rừng hơn 8 tiếng, tôi thầm phục anh chị có nhiều sức khỏe và quá giỏi về mọi mặt.

Tháng tư năm này chị Phan Lang, chị Phương Hoa, thầy Lê Tuấn (anh họ chị Hồng Thuỷ) cùng thầy Thái (nhóm Văn Thơ Lạc Việt) qua chiêm ngưỡng hoa anh đào lại được anh chị mời đón về nhà. Tôi rất tiếc vì ông xã bịnh hơi yếu nên không yên tâm tham gia.

Tuy kẻ ở tiểu bang này, người ở tiểu bang khác, và bản tánh tôi lười nói chuyện cũng như thăm hỏi, nhất là gặp những tin buồn tôi lại càng cứng miệng. Nhưng hình ảnh người anh trên 90 và người chị trên 80 tuổi luôn là bóng mát cho tôi tìm niềm an ủi tinh thần khi không còn cha mẹ, hễ nhớ đến là thấy vui tràn trề tăng nhiều năng lượng vào người. Để ý thầm biết anh thích ăn cá salmon, dù thức dùng tủ lạnh nhà anh chị luôn ngập ứ, không thiếu thứ gì nhưng tôi cứ để tình thương sai khiến, bày tỏ chút xíu lòng quý mến của mình đến ông anh, nên mỗi mùa lạnh tôi vẫn thích gởi bò khô và chà bông cá salmon. Chị Hồng Thuỷ gọi phone cho biết “ông già trên 90 chứ vẫn thích nhai bò khô cay xé lưỡi ngon lành”, tôi vui hơn nghĩ ông anh được tuổi thọ, trí tuệ sáng suốt, sức khỏe dồi dào, lái xe đi khắp nơi, tinh thần lạc quan hưởng tuổi già, đó là phước phần lớn trời cho không dễ mấy ai có được.

Lần này nhờ dự chung tiệc trước ngày chị Phương Hoa đi qua Washington DC, nên tôi có cơ hội gởi tiếp chà bông cá cho anh, dặn chị PH chuyển hình xem anh chị nay ra sao. Chị Phan Lang và thầy Tuấn gởi video cũng như hình ảnh, thấy anh vẫn khỏe mạnh tươi cười cụng ly, tôi mừng cho sức khỏe của anh. Khi chị Phương Hoa khóc ngất báo tin và nói câu ngây ngô “chết rồi anh Viên chưa ăn chà bông cá Thúy gởi”, tôi phải bật cười dù nước mắt chan hoà.

Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật của cuộc sống. Có ai không chết, có ai sống hoài. Anh Viên đã dùng tấm thân vô thường để bơi qua dòng sông sinh tử bằng những việc làm có ý nghĩa, sống cho người tràn yêu thương vui vẻ.

Sinh ly tử biệt là điều đau đớn cho người vợ, các con và sự thương tiếc khôn cùng của người thân, bạn bè xa gần. Anh chỉ bỏ đi thân xác, chứ hình ảnh, nghĩa cử của anh luôn nằm trong trái tim các em, mà mỗi khi nhớ đến lại thầy lòng ấm áp sung sướng vô biên.

Đã đến lúc Chúa gọi anh về. Chúa dang rộng vòng tay yêu thương vỗ về con chiên ngoan đạo, đã từng thực hành lời Chúa dạy có lối sống đẹp, biết san sẻ cho cuộc đời này.

Anh ngủ yên! Thanh thản về chốn Thiên Đàng hưởng nhan Thánh Chúa. Anh vẫn sống trong lòng mọi người, trong tâm tưởng các em.

                                                                                               Minh Thúy Thành Nội

                                                                                      Ngày 11 tháng 4 năm 2023

SÁU MƯƠI NĂM LẺ

(Viết cho em Hồng Thủy thương.)

 

Sáu mươi năm lẻ mặn nồng

Khổ đau, sung sướng vợ chồng có nhau

Quê người tháng lụn, mưa mau

Cơm lành, canh ngọt; con, dâu, rể hiền

Đời vui hạnh phúc triền miên

Thế gian sánh với cõi tiên ngang hàng

Trách ông Thiên Sứ phũ phàng

Đón anh đi, chẳng đoái màng đến em

Hôm nào bạn hữu êm đềm

Giờ anh khuất bóng, đá mềm lệ rơi

Sông còn khi lở, khi bồi

Nhưng anh không hẹn khứ hồi được đâu

 

Cũng không bằng vợ chồng Ngâu

Mỗi năm tái ngộ vui câu đá vàng

Tình ta như nước trường giang

Thiên thu vẫn mãi một làn thủy chung

Cửu Viên đất Việt người hùng

Em hân hoan núp bóng tùng của anh

Gia đình ta vẫn tụ quanh

Chờ ngày Chúa gọi cùng anh lại về

Đôi ta nối lại câu thề 

Ở nơi vĩnh viễn không hề khổ đau.

Cao Minh Nguyệt

April 2023

Las Vegas

 

CĂN NHÀ HẠNH PHÚC

Đã mấy ngày rồi nghe tin anh Viên mất, đầu nhức như búa bổ, cổ họng cứng ngắc như bị ai khóa lại, cứ ngồi im re ngó ra ngoài vườn nhìn mấy nhánh cây ngả nghiêng, xôn xao xì xầm với anh chàng gió, mấy chú chim cũng ríu rít chuyền từ cành này sang cành nọ như đang bảo nhau "Anh Viên mất rồi, làm sao đây?? Chị Hồng Thủy sẽ làm sao đây? Căn nhà hạnh phúc sẽ như thế nào đây? Chúng ta những chị em yêu mến của chị Hồng Thủy sẽ làm gì đây?" Bên tai lại còn nghe văng vẳng tiếng anh Viên mấy hôm trước bảo rằng: "Có bia đấy Hoàng Dung" Ủa làm sao anh Viên biết mình thích uống bia zậy ta? Thì ra anh Viên ít nói nhưng lúc nào cũng để ý tới từng đứa em xem chúng nó thích cái gì, có lẽ mỗi lần họp mặt ở những party anh Viên hay nghe chị Liên Phương chủ nhà nói “Có bia đấy Hoàng Dung” Viết tới đây thì cảm thấy buồng tim đau buốt, như có cái gì đâm vào khiến nước mắt bật ra, ít ra lúc này mới cảm thấy được như thế, chứ mấy hôm trước nó cứ trơ như đá, cả lồng ngực như bị nguyên một tảng đá thật to đè nặng xuống. Nói với ông chồng “Không ngờ cái chết của anh Viên lại ảnh hưởng nặng nề tới mình như thế anh nhỉ!” Chàng ta nói “Làm sao được, mấy mươi năm nay mình luôn trông thấy anh ấy cơ mà, có lẽ mình cảm thấy gần gủi anh ấy hơn cả cha mẹ mình, anh em mình nữa kìa!”(Vì mấy vị ấy ở rất xa chúng tôi, khuất tầm mắt nhìn)

Lại nghĩ tới những ngày vui ở nhà chị Hồng Thủy, làm gì thì làm hể mỗi lần mấy chị em ở xa về là chị Hồng Thủy vời cho được Hoàng Dung đến để kể chuyện... bậy, để làm cho các chị cười nghiêng ngả. Có lúc Hoàng Dung đang chăm cháu ở mãi Cali cũng phải mua vé máy bay gấp trở về để làm vui lòng chị Hồng Thủy. Mỗi lần Hoàng Dung bắt đầu kể chuyện là anh Viên chạy lăn xăn bảo với mọi người “Này... này... các bà làm sao thì làm đừng có cười quá mà làm ướt hết ghế của tôi đấy nhá”  ha... ha...

Rồi đây vắng anh Viên căn nhà hạnh phúc ấy có còn được những tiếng cười ngả nghiêng rộn rã của các anh chị em từ mọi nơi đổ về nữa hay không? Dầu sao Hoàng Dung cũng đã được ngủ trong căn nhà hạnh phúc ấy được một lần, thật ấm áp, thật hạnh phúc. 

Hoàngdungdc April/14/2023

KHÓC ANH BÙI CỬU VIÊN

Tin anh "đã mất" thật đau lòng

Nghe như tiếng sét tự thinh không

Sửng sốt, bàng hoàng, tim nhỏ lệ

Thương chị từ nay vắng bóng chồng

Chỉ mới tuần rồi ở nhà anh

Đón đưa nấu nướng anh thật nhanh 

Thân ái, nhiệt tình anh săn sóc

Giờ đây hồi tưởng lệ vòng quanh

Xin anh nhẹ bước đừng lưu luyến

Nơi cõi trần gian lắm muộn phiền

Bên kia thế giới anh phù hộ

Vợ hiền yêu dấu được bình yên

Thành tâm em kính nén hương lòng

Nguyện xin chốn ấy anh thong dong

Thiên đường rộng mở anh thanh thản

An nghỉ vui chơi bến Vĩnh Hằng.

PhamPhanLang

Tình Đẹp Muôn Đời
(Kính tặng mối tình bất diệt & sự chia lìa đau đớn của anh chị Bùi Cửu Viên – Nguyễn Hồng Thủy)

Cô gái Trưng Vương má ửng hồng
Hớp hồn anh chiến sĩ hải quân
Duyên tình mãnh liệt thành đôi lứa
Gắn bó thâm sâu kết vợ chồng
Êm ả chốn xưa tình thắm thiết
Dạt dào đất lạ nghĩa keo sơn
Bên chàng em vượt bao gian khó
Sao vượt âm-dương thỏa nỗi lòng?
Thúy M
4/19/23

Chị Hồng Thủy thương yêu,

Lúc được chị gọi lúc 3 giờ sáng, 11/4/2023 với tiếng khóc nức nở "em ơi, anh đã đi rồi", em nghe như sét đánh bên tai!  Tưởng nghe nhầm, em hỏi lại chị, rồi bật òa khóc cùng chị, làm cả nhà hốt hoảng, vây quanh.  Từ hôm đó đến nay, dù bận rộn con cháu về thăm, không lúc nào em không nghĩ về anh chị.  Chỉ mới đúng một tuần sau khi từ giã anh chị ra về (lúc đó anh vẫn còn khỏe, dù có hơi mệt và húng hắng ho, nhưng vẫn nhất quyết đưa chúng em ra phi trường, lái xe đi về gần hai tiếng đồng hồ) mà nay anh đã không còn nữa!  Thật quá đau lòng.

Trước khi đi, anh còn pha cafe/nước trà và chiên trứng cho mọi người ăn sáng như mọi hôm.  Ăn xong, anh còn nhắc em nhớ mang thức ăn để ăn trên máy bay.  Thấy em chần chừ, anh lại giục nướng bánh Pate Chaude con gái biếu anh chị để mang theo.  Em nướng hai cái thì anh lại bỏ vào lò nướng thêm hai cái nữa cho em.  Giờ đây nghĩ lại giây phút đó và những săn sóc chu đáo anh dành cho cả nhóm trong suốt tuần lễ ở nhà anh chị, em lại xúc động nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. 

Anh đi rồi, chị của em biết sẽ làm sao?  Em biết một cuộc tình nồng ấm, đầy yêu thương, hạnh phúc trên 60 năm của anh chị sẽ không dễ gì quên trong một sớm một chiều nhưng hãy rán lên chị nhé và xin chị hãy nghĩ rằng "mọi việc rồi cũng sẽ qua" và nếu phần số anh đã hết mà anh được ra đi nhanh chóng, thanh thản, không kéo dài thân xác đau đớn lê thê và làm khổ người nhà là một diễm phúc đó chị.

Nguyện cầu linh hồn anh Giuse Bùi Cửu Viên sớm được hưởng nhan Thánh Chúa và chúc chị bình an, mạnh khỏe, nhiều nghị lực để lo hậu sự cho anh và vượt qua cơn đau buồn vô cùng này.

Thành kính phân ưu cùng chị và gia đình,

Em PLang & Barry

Chị Hồng Thủy kính mến,

PThuy và CE CGV không thể nào kìm hãm được sự bàng hoàng và xúc động mãnh liệt khi bất ngờ biết tin anh Viên đã lìa trần.

Anh rất hiền hậu, chân tình và tha thiết với mọi người, nhất là bằng hữu của vợ. Ai cũng kính mến Anh mà sao Anh vội vã xa lìa chị và gia đình.

Đến bây giờ CE CGV vẫn còn chia sẻ niềm thương tiếc Anh nhưng PThuy và Song Thy phải tạm dừng làm thi ảnh để gửi đến Chị và gia đình những tâm tình của CE đong đầy tình cảm và yêu quí chân thành.

PThuy tin anh đã được Thiên Chúa đón về. PThuy cũng xin Thiên Chúa thương xót và che chở Chị cùng gia dình.

Xin chị cho PThuy biết khi nào cử hành thánh lễ tiễn biệt anh, PThuy và CE CGV locals sẽ đến thăm anh lần chót.

Thương quí Chị vô cùng.

PThuy và CE CGV

 

Vô cùng thương tiếc Kiều Cát Nhung, bút danh Song Phương, đã tạ thế ngày 10 tháng 8, 2022.

. Sinh quán tại Kế An, quận Kế Sách và được nuôi dưỡng tại làng An Mỹ, tỉnh Ba Xuyên.

. Theo học tại trường Trung học Hoàng Diệu, thị xã Sóc Trăng (1970-1977)
. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm thuộc Thành Phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (1979). 
. Dạy học tại Thị Xã Sóc Trăng. Từ nhiệm sau 2 tháng giảng dạy và vượt biên sang Mã Lai Á vào ngày 22 tháng 12 năm 1979.

. Hiện định cư tại Portland, tiểu bang Oregon. 

. Thành Viên trụ cột của Nhóm Thi Văn Ngàn Thông
. Hoạt động văn hóa & cộng đồng nổi bật trong Cộng Đồng Việt Nam tiểu bang Oregon.
. Thành viên CoGaiViet.

 Hình Tang lễ của Song Phương do cô Mary Nguyễn, thủ quỹ của Hội Cao Niên OR chụp:

https://photos.app.goo.gl/P1XhUJCMgT6sgWsV8

Thi sĩ SONG PHƯƠNG, em rất khỏe mạnh, xinh đẹp, dễ thương. Lúc nào cũng làm việc rất hăng say mà không biết mệt. Em bận đi làm và hàng ngày còn phải săn sóc hai bà Mẹ: Mẹ em và mẹ chồng.  Em bị "cô vít", nhờ đi khám bệnh để điều trị cô vít nên BS khám phá ra em bị cancer máu thời kỳ chót. Thật là tin sét đánh.

Chỉ vài ba tháng sau em ra người thiên cổ. Đau đớn nhất cho em là em có hai người con. Một trai, một gái. Con trai mới ngoài 30, một hôm vào nhà thương thăm mẹ, trên đường về đi làm, cháu bị tai nạn xe hơi chết ngay tại chỗ. Viết đến đây nước mắt tôi lại chảy, nghĩ đến những điều đau đớn mà em phải chịu, tôi thương cảm và xót xa vô cùng. Đúng là "họa vô đơn chí". Người dễ thương như em sao Trời lại bắt phải chịu nhiều tai họa như vậy?

SONG PHƯƠNG với tôi thân tình như một cô em gái nhỏ. Trước khi từ biệt cõi trần em còn text vội cho tôi mấy dòng "Chị ơi, em mệt quá, em gửi đến chị tất cả yêu thương hòa cùng nước mắt, em phải đi rồi..." Vĩnh biệt SONG PHƯƠNG yêu dấu của tôi.

Hồng Thủy

THƯƠNG TIẾC 

Ở cõi hư vô có hiểu lòng?

Mỗi ngày thắp nến thỉnh chuông boong 

Đốt hương lễ Phật đêm cầu nguyện 

Trì tụng Tâm kinh tối cúng vong 

Dẫu chửa một lần nhìn tận mắt 

Phone reo mấy bận có như không 

Đâu ngờ em vội rời dương thế!

Thương tiếc Song Phương lệ ngấn dòng .

Kiều Mộng Hà 

Aug27th2022

TẠM BIỆT

Lữ khách dừng chân chốn hồng trần

Đường đời vạn nẻo đã gian truân 

Tìm về chốn cũ vui an lạc

Đã qua rồi một kiếp nhân sinh

Đừng nghĩ xuân tàn, hoa không mọc

Cành ươm nấy mộc kiếp lai sinh

Duyên nợ, tình thân nào có mất

Còn mãi trong nhau những chữ tình

Chị ơi tạm biệt, thôi tạm biệt

Hẹn gặp cùng nhau kiếp lai sinh

Niệm Phật cùng Phương, vui chị nhé

Cho người trần thế khỏi điêu linh.

Tiểu Mai

 

THƯƠNG QUÁ

Đứt từng đoạn ruột xót xa đau

Mới gọi hôm nào thăm hỏi nhau

Giọng mỏng thanh âm như ngắt khúc 

Lời run thở gấp yếu thều  thào

Thương em trì chú thầm cầu nguyện

Cứu khổ Quán Âm rải phép mầu 

Dứt  nghiệp thong dong về cõi Tịnh 

Song Phương tự tại sống tiêu dao.

Kiều Mộng Hà 

Aug 11-2022

 

Lê Thị Mỹ Công

Sinh ngày 02/19/1959 tại Sài Gòn, Việt Nam. Mất ngày 04/10/2016 lúc 9:51PM (nhằm ngày mồng 4 tháng 3 năm Bính Thân) tại Plano Texas USA. Hưởng dương 57 tuổi.

Chị Em CGV vô cùng thương tiếc Lê Thị Mỹ Công, một thành viên hiền lành và dễ thương, xin góp lời cầu nguyện cho linh hồn của Mỹ Công được về nơi vĩnh cửu.

Tiểu sử

. Bút hiệu cũng như tên: Lê Thị Mỹ Công
. Tốt nghiệp:
   * Chuyên ngành Khí Tượng, trường Khí Tượng Thủy Văn, Sài Gòn, VN
   * Anh Ngữ, Đại học Ngoại Ngữ, Sài Gòn, VN
   * Khoa Vật Lý, University of Texas at Dallas, USA
. Đóng góp thơ văn trên vài tập thơ in chung nhiều tác giả, vài Tuyển Tập, vài Báo, vài Đặc San (VN và USA).
. Thực hiện Trang Thơ "Cụm Hoa Tình Yêu" của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại trên "Cẩm Nang VRN-SBTN DFW Magazine".
. Thực hiện Trang Thơ "Cụm Hoa Tình Yêu" của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại trên "Nguyệt San Bút Tre".
.Thành viên của diễn đàn CoGaiViet.

CGV-Ngân Bình đọc Điếu tang

Lời Phân Ưu Của Các Thành Viên CGV