Cô Gái Việt

header photo

Thu Phai

Thơ: Đỗ Minh Giang

Nhạc: Nguyễn Tuấn

Hòa âm: Quang Đạt

Ca sĩ: Diệu Hiền

Đừng Gọi Nhau Lần Cuối

 

Thơ: D.T Minh Giang

Nhạc: Nguyễn Tuấn

Hòa âm: Đỗ Hải

Ca sĩ: Hà Thanh

Tháng Tư Trong Tôi

Thơ:  Phạm Phan Lang

Nhạc: Vĩnh Điển

Ca sĩ: Tuấn Giang

LY CÀ PHÊ BUỒN

Thơ: Nguyễn Thị Thanh Dương

Nhạc: Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng

Ca sĩ: Hoài Tâm

ĐÀ LẠT PHỐ NÚI

Thơ: Hồng Thúy

Nhạc: Nguyễn Tuấn

Ca sĩ : Hà Thanh

Hòa âm : Đỗ Hải

Gia Đình Bác Tám

GỌI ĐÒ CHIỀU ĐÔNG

Thơ: Phạm Thị Minh-Hưng

Phổ nhạc: Nhược Thu

 Ca sĩ:  Giáng Hương

NGÀN NĂM MÂY BAY

Tác giả: Minh Thúy Thành Nội

Diễn đọc: Như Hà

CHIỀU ÚA

Thơ: Hồng Thúy

Nhạc: Nguyễn Thanh Cảnh

Ca sĩ: Anh Bằng

PPS: Hùng Đặng

BA HIỂU

Truyện ngắn: Ba Hiểu

Tác giả: Minh Thúy Thành Nội

Diễn đọc: NH

Music credit: Linh Nhi

VÔ THƯỜNG

 

Thơ: Kiều Mộng Hà

Phổ Nhạc: Kim Phan

Ca sĩ: Zen Vũ Hoàn

MẸ MÊ FACEBOOK

Tác giả: Minh Thúy Thành Nội

Diễn đọc: NH

ĐẦU HÀNG

Thơ: Á Nghi

Nhạc: Nguyễn Văn Thành

Tiếng hát An Minh

VÌ BỞI EM LÀ THU

Nhạc : Lê Hữu Nghia

Lời : Minh Thúy Thành Nôi

Ca sĩ : Ngọc Quy

CHỢT LẶNG...

Nhạc & lời: Tuyết Phan

Tiếng hát: Tuyết Phan

Ru Nắng Chiều Hạ Vàng

Nhạc : Lê Hữu Nghĩa

Lời : Minh Thúy thành Nội

Ca sĩ : Diệu Hiền

THÁNG TƯ NHỚ MẸ

THÁNG BA ĐÀ NẴNG MÙA XOAN...

Tuyết Phan sáng tác

 

KHÔNG MÙA XUÂN...

Nhạc và lời: Tuyết Phan
 Ca sĩ: Quốc Duy
 Sudio Đỗ Hải hòa âm 
 

MAI CHỊ VÈ

Thơ: Ý Nga

Nhạc: Nguyễn Văn Thành

TÌNH CA MÙA ĐÔNG

Sáng tác: Tuyét Phan
Tiếng hát: Tuyết Phan

MƯA THU

Nhạc và lời: Tuyết Phan

Ca sĩ: Dzoãn Hà

LỜI TÌNH CA

Thơ: Hồng Thúy

Nhạc: Phạm Mạnh Cương

Ca sĩ: Hà Thanh

BÓNG HOÀNG THÀNH

Lời thơ : Minh Thúy

Nhạc : Trần Đại Bản

Ca Sĩ : Vân Khánh

Hòa âm : Quang Đạt, Video : Minh Hoàng.

Đừng Đi Thu Ơi!

Thơ: Phạm Thị Minh Hưng

Lệ Thu diễn ngâm

10 Ca Khúc phổ thơ Hồng Thủy - Nhạc Nguyễn Ánh 9 và nhiều tác giả

BỨC TƯỜNG HOA

Thơ: Minh Giang

Phổ nhạc: Giang Thiên Tường

Ca sĩ: Duyên Huỳnh

Êm Ả Dễ Thương

Thơ: Á NGHI

Nhạc: Ý NGUYỆN

Hoà âm và hát: HỒNG ÂN

Dòng Sông Buồn

Thơ: Minh Giang

Nhạc: Nguyễn Hữu Tân

Ca sĩ: Lệ Tuyền

Tháng Tư Đen Không Dễ Gì Quên!

Bài viết: Lê Thị Hoài Niệm
Giọng đọc: Việt Linh và Nhược Lan

Nhặt Dấu Tình Sầu

Nhạc : Lê Hữu Nghĩa

Lời : Minh Thúy Thành Nội

Ca sĩ : Ngọc Quy

Ai Lên Xứ Hoa Đào

Nhạc Sĩ: Hoàng Nguyên

Tiếng Hát: Lê Hoài Niệm

Ở Một Nơi Không Phải Đất Nước Tôi!

Thôi Đừng Ru Nữa

Thơ: Songthy

Nhạc: Dương Thượng Trúc

Ca sĩ trình bày: Thúy An

ÁO HỒNG DỄ... GHÉT

Thi sĩ: Ý Nga

Diễn ngâm: Tuệ Tâm

CÒN NHỚ SÀI GÒN

Thơ: Hồng Thúy

Nhạc: Liên Bình Định

Ca sĩ: Diệu Hiền

MỘT THUỞ YÊU ĐÀN

Tác giả : Lưu Phương Lan

Diễn đọc: Hải Lan- Nguyễn Hữu Nhung- Nguyên Hà

Coffee Và Tôi

Thơ: Kim Loan Laura Nguyen

Nhạc: Mai Đằng

Trình bày: Hoàng Nam

THỨ SÁU CÔ ĐƠN

Nhạc và hòa âm: Giang Thiên Tường

Thơ: Minh Giang

Tiếng hát: Thanh Thúy

Mình Ơi

Thơ: PhamPhanLang

Nhạc: Trần Đại Bản

Ca sĩ: Nhất Chi Mai

Tình Thu Mong Manh

Vân Ti diễn ngâm các bài thơ trong Thi Tập TÌNH THU MONG MANH của Phạm Thị Minh Hưng

VÀO NAM - Tập 1

Tác giả Sao Khuê

Tiểu Mai diễn đọc

VÀO NAM - Tập 2

Tác giả Sao Khuê

Tiểu Mai diễn đọc

 

Tháng Sáu, 2025

 

ANH ĐÃ HỨA

Khi anh ôm em trong vòng tay

Nhìn vào đôi mắt em đắm đuối.

Anh đã hứa

Sẽ bên em mãi mãi

Cho em trái tim anh

Cho em cả cuộc đời

Hái ánh trăng rằm

Quỳ xuống

Dâng lên em

Làm quà hẹn ước.
 

Anh trở về đơn vị

Tháng ngày em chờ mong

Nước mắt lệ hoen tròng

Nhớ thương anh da diết

Chờ mong.

KBC thư anh gửi về

Anh đang bận hành quân

Từng đêm chiến đấu

Từng đêm đạn nổ

Chết chóc cận kề.

Anh nhớ em... nhớ em

Nhớ luôn lời anh hứa.
Không thể vẹn thề.
 

Giờ em đứng đây

Ngày Memorial Day

Anh không còn nữa

Nghĩa trang cờ bay

Nước mắt vơi đầy.
Nguyễn Thị Thêm

BÀI TÌNH THƠ THÁNG SÁU

Đã bao lần xuân hạ thu đông đến với thành phố hoa hồng Portland an lành hạnh phúc ở nơi đây, tôi thấy mùa nào cảnh sắc cũng đẹp, cũng hữu tình.

Nhưng có lẽ tháng Năm, có Ngày Lễ Của Mẹ, và tháng Sáu, có Ngày Lễ Của Cha, là những tháng đẹp nhất trong năm vì ít ra trong hai tháng này, người con đã giành được ít phút giây để tưởng nhớ đến cha mẹ dù cha mẹ đã già yếu hay vẫn còn trẻ tuổi, dù cha mẹ đã qua đời hay vẫn còn sinh tiền.

Văn hóa Tây Phương có cái hay cái đẹp của Tây phương và văn hoá Đông phương vẫn có cái hay cái đẹp của Đông phương. Trái tim tình cảm gia đình ở nơi nào cũng giống như nhau vì nước mắt và máu đào vẫn mặn hơn nước lã, phải không bạn? 

Ở Việt Nam không có ngày lễ vinh danh đặc biệt dành cho người Cha mà chỉ có ngày lễ Vu Lan của Phật giáo dành để tưởng nhớ đến người mẹ đã qua đời, qua sự tích báo hiếu của Đức Mục Kiền Liên muốn cứu độ mẹ già là bà Thanh Đề với nghi lễ ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân nhưng ở Mỹ lại có những ngày dành cho cả Cha lẫn Mẹ.

Xin cám ơn bà Ann Reeves Jarvis đã tranh đấu cho Ngày Lễ Của Mẹ (Mother’s Day) được công nhận chính thức năm 1914, và bà Sonora Smart Dodd đã tranh đấu cho Ngày Của Cha (Father’s Day) được công nhận chính thức năm 1972, là những ngày lễ quốc gia  nơi xứ Mỹ.

Chúng ta sống ở nơi nào thì cũng cần hòa nhập văn hóa hay đẹp ở nơi ấy, bạn đồng ý chứ? 

Công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ lẫn Cha phải được vinh danh, tưởng nhớ như nhau. Nhiều người Việt nơi hải ngoại ngày nay cũng ăn mừng Ngày Của Mẹ và  Ngày Của Cha như cư dân sở tại. Chúng tôi rất trân quý hai ngày lễ này vì đây cũng là dịp để gia đình bé nhỏ của chúng tôi có thêm dịp để sum họp, để chia sẻ niềm vui và thương yêu nhau nhiều hơn nữa.

Một niềm vui khác đến với tôi trong Ngày Của Cha là bài thơ Bài Tình Thơ Tháng Sáu của SL để vinh danh cha tôi nói riêng, những người cha dù già hay trẻ nói chung, đã được những người bạn đồng tâm cảm với tôi thực hiện thành một PPS Tình Cha dựa theo ý thơ của SL với lời nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiển  được trình bày qua giọng ca của Phong Thu, do Duy Hân thuộc DungLac.org thực hiện PPS này.

SL chưa hề quen biết hay gặp mặt quý vị nghệ sĩ nói trên mà đã thực hiện PPS này hay hơn, cảm động hơn, tình cảm hơn bài thơ của SL . Hình ảnh người Cha rất linh động đủ mọi thành phần; lời nhạc, giọng ca thật là trữ tình, du dương, và nhẹ nhàng như lời ru của mẹ; nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát, dễ đi vào trái tim của mọi người. 

Xin cám ơn những người bạn mới mà SL chưa bao giờ biết mặt, đã chuyên chở ý tình của SL đến với bạn bè cùng tâm cảm.

Xin mời quý bạn cùng với tôi vinh danh người cha của chúng ta qua PPS Tình Cha đã được phổ biến rộng rãi qua link dưới đây nhé:

http://www.youtube.com/embed/pHET0tJmUBI  

PPS này cũng đã được đưa lên Youtube của anh Trần Năng Phùng thuộc Đại học Văn khoa yahoogroups qua link: http://www.youtube.com/watch?v=pHET0tJmUBI&feature=email

Sương Lam giới thiệu Playlist Happy Father’s Day của anh Trần Năng Phùng

http://www.youtube.com/playlist?list=PLD62E11EE07BA43AF

Sau đây là nguyên tác bài thơ Bài Tình Thơ Tháng Sáu của Sương Lam đã được quý bạn hữu và anh Trần Năng Phùng thực hiện thành Youtube Tình Cha ở trên.

Bài Tình Thơ Tháng Sáu 

Tháng Năm qua bây giờ là tháng Sáu

Tháng Sáu quê người rực rỡ cỏ hoa

Trời đất reo vui nắng ấm chan hòa

Để chúc tụng Ngày Của Cha vui vẻ.

 

Xin góp vui đến những người cha trẻ

Khi nhìn con trong giấc ngủ thiên thần

Con mỉm cười cha cũng thấy trào dâng

Một tình cảm thiêng liêng và bất tử.

 

Tình cảm ấy chẳng cần dùng ngôn ngữ

Cũng chẳng cần dệt gấm với hoa thêu

Cũng viết nên bài thơ nhạc diễm kiều:

“Tình phụ tử thương con như châu ngọc”.

 

Rồi năm tháng làm đổi thay màu tóc

Bây giờ cha đã tóc bạc da nhăn

Bởi tháng năm cha lao động nhọc nhằn

Nuôi con trẻ trở thành người hữu dụng.

 

Con tuổi trẻ một đôi lần dại vụng 

Khiến cho cha phải khổ trí lao tâm

Cha khoan dung tha thứ những lỗi lầm

Khuyên con trẻ nên làm lành lánh dữ.

 

Cha vất vả thân già nơi viễn xứ 

Đủ mọi nghề cha làm việc nuôi con

Theo thời gian sức khỏe dẫu suy mòn

Cha sung sướng thấy đàn con thành đạt.

 

Tình phụ tử! Một bài thơ tuyệt tác

Được viết bằng thương mến với khoan dung

Bằng hy sinh, bằng lao lực tận cùng

Bằng tất cả những gì cao đẹp nhất.

 

Núi Thái Sơn dẫu có cao chất ngất

Cũng không bằng tình cha mẹ thương con 

Trần gian này dẫu sông cạn đá mòn

Tình Phụ Tử vẫn muôn đời bất diệt.

Sương Lam

Xin đa tạ anh Trần Năng Phùng, Moderator của Forum DaiHocVanKHoaSG, và các bạn  Duy Hân, Nguyễn văn Hiển, Phong Thu, những người bạn tốt đã cùng một tâm ý như tôi.  

Thế mới biết những tình cảm thiêng liêng cao quý của Mẹ Cha bao giờ cũng làm xúc động những trái tim tình cảm không phân biệt tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác, phải không bạn?

Mời xem youtube Happy Father's Day- Sương Lam thực hiện

https://www.youtube.com/watch?v=Gz0pTE4CgBE

https://www.pinterest.com/pin/801640802461860012/

Xin phép được mượn một đoạn nhạc dưới đây của anh Nguyễn Văn Hiển trích trong PPS Tình Cha để làm kết luận cho bài tâm tình về Ngày Lễ Của Cha năm nay, bạn nhé. 

“Tình cha cao như núi Thái Sơn

 Làm con phải biết ơn công cha dưỡng sinh thành

Tình cha ôi thiết tha như nguồn nước bao la

Thương con như châu ngọc để đời con nở hoa.” 

Happy Father’s Day  

Tháng Sáu ở Portland, nơi tôi đang sống hằng năm, có ngày lễ hội Rose Festival mừng hoa hồng nở. Có nhiều sinh hoạt truyền thống, linh hoạt, hào hứng chào mừng lễ hội này. Đặc biệt nhất buổi diễn hành xe hoa với sự tham gia của nhiều đoàn thể, học đường. v.v.

Mời xem Grand Floral Parade shines bright in downtown Portland: 

https://www.oregonlive.com/portland/2025/06/grand-floral-parade-shines-bright-in-downtown-portland.html 

Mời xem thêm một vài hình ảnh ghi nhận Cộng Đồng Việt Nam Oregon tham gia buổi lễ diễn hành xe hoa "Grand Floral Parade 2025" vào ngày 7/6/2025 qua link đính kèm:

https://photos.app.goo.gl/cSi9XSEmPwKK9xV89

Cảm ơn cô Mary Nguyễn nhé.

Đẹp và vui quá! Bạn nhỉ?

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn,

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN)-MCTN 765=ORTB 1196-6-22-25

 

MỘT NGHỀ ĐANG BIẾN MẤT

Tôi lôi cái túi da mà tôi rất yêu thích ra xem xét cẩn thận. Hai cái quai ví được dán bằng keo đã bong ra theo thời gian. Tôi muốn tìm tiệm sửa giầy vì nơi này có máy may chuyên nghiệp, may những thứ hàng dầy như da thú. Tôi bảo họ may 2 đường dọc theo quai ví thì không bong ra nữa.

Tôi hỏi chồng:

- Anh đã tìm cho em tiệm sửa giầy chưa?

- Có một tiệm cách đây chừng 5 dặm, mở cửa lúc 9 giờ sáng mà anh gọi hoài không được. Bây giờ là gần 10 giờ rồi, hay là cứ đi đại nhé.

- Nhỡ họ đóng cửa, sập tiệm thì sao?

- Thì đi về. Ngày mai, anh sẽ chở đi tiệm khác.

Trong sự tĩnh lặng của khu đất vắng vẻ, cây cao xanh um; một khu buôn bán sơ sài và thấp lè tè, trong đó có chừng vài tiệm nho nhỏ, khiêm tốn.

Tiệm sửa giầy đã mở cửa. Bảng hiệu phai màu, có ánh đèn đỏ chớp nhoáng, những ô cửa sổ đầy bụi, chứng tỏ tiệm đã có mặt nhiều năm, thầm lặng và cô độc của một nghề đang mai một.

Tôi bước vào tiệm. Không thấy ai. Tôi nhìn quanh tiệm, không có ai. Các món hàng trưng bày trong tiệm đều cũ kỹ như phủ lớp bụi dầy của thời gian.

Chồng tôi lớn tiếng chào: “Hello. Có ai trong tiệm không?”

Tôi cũng hùa theo: “Hello. Hello.”

Có tiếng lục đục, tiếng ho húng hắng ở phòng trong, sau cái màn che bằng vải xộc xệch.

Đợi thêm vài phút, một ông lão Á đông, khoảng chừng hơn 70 tuối, lưng còng, ăn mặc giản dị, khuôn mặt khắc khổ, kính lão trễ xuống thật thấp trên sống mũi, chậm chạp đi ra. Tôi đoán ông là người Tàu. Sự hiện diện của ông thật thầm lặng, cô đơn, và cũ kỹ như những món hàng trong tiệm!

Chồng tôi bực dọc:

- Ông có nghe điện thoại reng? Tôi gọi rất nhiều lần, từ 9 giờ sáng mà không có ai trả lời?

- Tôi không nghe gì cả.

- Để tôi gọi lại cho ông. May ra ông tìm được chỗ để của cái phone.

Từ căn phòng phía sau, tiếng phone reo inh ỏi. Ông lão chậm chạp đi vào, một hồi thấy ông đi ra trong khi phone vẫn kêu.

- Tôi không tìm thấy nó.

Chồng tôi chán nản, tắt phone:

- Ông không có ai phụ giúp ư? Thành viên trong gia đình đâu?

Ông lắc đầu lia lịa:

- Không có! Ông bà cần gì?

Tôi đưa ông xem cái túi xách, chỉ những chỗ bị hư hại và điều tôi muốn ông sửa.

Đôi bàn tay của ông phù to và chai sần, rà đi rà lại 2 cái quai xách. Ông lắc đầu, lập đi lập lại:

- Không thể làm như vậy được. Tôi sẽ bọc một mảnh da mới vào chỗ đeo lên vai để che những chỗ da bị tróc và hư hại.

- Ông tính bao nhiêu tiền?

- Tiền công $25 nhưng cách này cũng không là giải pháp lâu dài.

- Thế ông đề nghị chữa cách nào? Còn những chỗ khác thì ông sửa làm sao? – Tôi chỉ cho ông thấy những chỗ khác bị tróc khá nhiều. Nghi ngờ ông có thể sửa được.

- Tôi sẽ dán keo tất cả những chỗ tróc da ở quai và chung quanh túi. Loại keo này tốt, sẽ dùng được thêm một thời gian khá lâu và đỡ tốn tiền. Tôi chỉ lấy $12 thôi và chỉ nhận tiền mặt!

Thấy tôi ngần ngại, chồng tôi ghé tai tôi thì thầm: “Cứ nhìn đủ loại máy móc to nặng trong căn phòng phía sau thì biết ông ta ở trong nghề đã lâu lắm rồi, khả năng chuyên môn cao. Cứ nghe theo lời ông ấy. Nếu hư nữa thì anh đưa em đi mua cái mới.”

Tôi nhìn những ngón tay sần sùi, chứng tích của bao lần sửa chữa đủ loại ví, giầy, ... mà động lòng thương cảm. Trong khi thế giới bên ngoài vội vã trôi qua, ông đã nhẫn nại, thầm lặng phục hồi những gì đã hư hỏng để chúng tiếp tục cuộc hành trình với người, với đời.

Thật không may, nghề sửa giày đang biến mất. Một hình ảnh ngày càng hiếm hoi trong thế giới tân tiến, trong văn hóa "dùng rồi bỏ" của chúng ta. Nhiều người chọn thay thế hơn là sửa chữa vì hàng hóa được sản xuất hàng loạt, giá rẻ rề.

Tôi muốn nói với ông những lời thăm hỏi tử tế; muốn có sự cảm thông giữa thế giới của ông và của tôi; mang lại chút ấm áp, vui vẻ cho cuộc sống của ông lặng lẽ và quá đỗi cô đơn.

Tôi chỉ vào những chỗ treo quần áo cũ kỹ, những kệ đựng giầy, những móc treo ví, và những đồ linh tinh khác bầy bừa bộn trong tủ kính thấp, hỏi ông:

- Ông bán những món hàng này? Sao không thấy giá tiền?

- Người ta đem đến cho tôi. Ai cần thì lấy, mỗi thứ chỉ vài đồng thôi.

- Ngày mai, khi tôi đến lấy túi da, tôi sẽ đem theo vài bộ quần áo không dùng nữa, nếu ông muốn thì tôi cho. Ngoài quần áo, giầy dép, ông có nhận như những thứ khác như nồi, chảo, đồ vật trang trí, ...?

- Cái gì tôi cũng nhận.

Hôm sau, 9 giờ 5 phút, tôi đã có mặt. Tiệm đóng cửa im ỉm. Tôi ghé sát cửa kính, banh mắt nhìn vào bên trong tiệm tối thui, không động tĩnh... Đành ra xe ngồi chờ. Bà da đen, đậu xe kế bên, thò đầu ra cửa xe, chào hỏi và cho biết bà đã chờ hơn 10 phút.

Đến 9 giờ 20 phút, tôi thấy ông lững thững đi bộ từ góc phố đến tiệm, chắc ông ở gần đây. Tôi hối hả vào tiệm, còn chồng tôi ngồi chờ trong xe.

Bà da đen cho ông xem đôi giầy bốt, yêu cầu ông thay đế rồi vội vãi đi làm. Ông dặn: “Chiều, sau 3 giờ, đến lấy.”

Tôi đưa biên lai cho ông. Ông tìm tới tìm lui, hết chỗ này đến chỗ khác mà không thấy.

Ông vò đầu, hỏi tôi:

- Bà sửa cái gì?

- Cái túi da màu đen, có hai cái quai xách và vài chỗ bị rách. Ông nói sẽ dán keo lại đó.

- À, à... Tôi nhớ ra rồi.

Ông chạy vào căn phòng nhỏ bên tay trái, lục lọc rồi hí hửng đi ra với cái túi da:

- Tôi đặt nó dưới cái máy ép cho keo dính thật chặt mà quên mất.

Tôi xem xét thật kỹ những chỗ ông đã sửa và phải công nhận ông khéo tay và tỉ mỉ. Khách hàng chắc cũng hài lòng với việc làm của ông. Họ không kèo nèo bớt tiền công và đối xử với ông thật thân tình. Mỗi ngày ông thu được khoảng hơn trăm bạc là nhiều. Tiền công chắc vừa đủ trả tiền mướn cửa hàng, một cửa hàng cũ kỹ, không có hệ thống an ninh tối tân để bảo vệ cái két chứa tiền mặt kia.

Tôi đưa ông tờ $20. Ông thối lại $10. Tôi nói: “Ông thối lại $8 đồng mới đúng.” Ông xua tay: “Không sao. Không sao.”

Tôi đưa ông cái túi, đựng vài bộ quần áo cũ:

- Ông có muốn không?

Ông mở tung chúng ra, gật gù:

- Muốn chứ. Còn tốt quá.

Ông đem treo chúng vào chỗ quần áo cũ. Rồi ông lôi ra một cái áo khoác màu xám, còn tốt, ướm vào người tôi.

- Mặc thử đi. Tôi nghĩ vừa khít đó.

Tôi tròng cái áo vào và thấy vừa vặn, thật hoàn hảo:

- Ông lấy bao nhiêu tiền?

- $5 nhưng đưa $3 cũng được.

Tôi ngập ngừng, muốn giúp ông nhưng nhà không còn chỗ chứa thêm quần áo.

Thấy tôi ngần ngại, ông xua tay:

- Thôi, cứ lấy. Không cần trả tiền. Coi như mình trao đổi hàng.

- Tôi cám ơn ông nhưng tôi đã hơn 70 tuổi rồi, không muốn có thêm quần áo nữa. Tôi đem đồ cho ông mà ông còn cho lại. Thật buồn cười!

Ông nhướng mắt nhìn tôi cho kỹ:

- Bà... hơn 70 tuổi rồi ư?

- Còn ông bao nhiêu tuổi?

- Cũng cỡ đó. – Ông né cái nhìn dò xét của tôi!

Ra xe, chồng tôi hỏi: “Sao lâu vậy? Ổng có lấy quần áo cũ?” Tôi kể lể mọi chuyện và đưa chồng xem cái túi da. Chồng tôi khen ông có tay nghề giỏi. Một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, có ảnh hưởng nhiều đến thể chất của ông vì phải đứng và lom khom làm hàng giờ. Ông đã hơn 70, không biết ông còn đủ sức để theo đuổi nghề này bao lâu nữa.

Tôi nảy ra ý định đem những món đồ dư thừa trong nhà cho ông và đem những hàng hóa cũ rích, lỗi thời trong tiệm của ông cho Goodwill. Rồi tôi sẽ giúp ông dọn dẹp, sắp xếp lại các món hàng cho ngăn nắp và hấp dẫn. Tiệm ông sẽ có “khuôn mặt mới” và thu hút nhiều khách hàng hơn.

Tôi biết mình sẽ làm được và ông sẽ hoan nghinh ý kiến này.

Cách đây 18 năm, tôi đã liều lĩnh nhận làm nữ trang như vòng đeo cổ, đeo tai, từ những vỏ sò ốc để gây quỹ cho Autisim Research Program. Tôi rất mừng khi được sự ủng hộ nồng nhiệt trong công sở.

Chồng tôi lắng nghe ý kiến của tôi. Đây là việc làm phát sinh từ tâm nhân ái và lòng trắc ẩn, nên khuyến khích và hỗ trợ. Một sự giúp đỡ, một lời động viên đơn giản cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc đời của người khác.

Chồng nắm bàn tay tôi: “Cứ làm từ từ. Anh không ngại chở em đi nhiều chuyến.” Tôi cười: “Em biết anh đang nghĩ gì rồi. Em hứa sẽ lo cho sức khỏe và lảm việc này như một thú tiêu khiển hữu ích và yêu thích.”

Nguyễn Phương Thúy – 6/6/2025

 

VÙNG HOA THỊNH ĐỐN VÀ HỌC SINH TRƯỜNG CŨ

Vùng Hoa Thịnh Đốn mấy hôm nay lúc mưa, lúc nắng nhưng khí hậu ấm áp không còn lạnh lẽo như những tuần trước. Nhờ có mưa, sân cỏ và hoa xanh tươi. Trời đẹp đi loanh quanh nhìn cây cảnh họ trồng cũng vui mắt. Tuy nhiên có nhà bị đàn nai tận tình thưởng thức, ăn trụi lủi, chẳng còn lá non hay hoa. Xóm này nhiều nai quá. Nếu  chủ nhà không phủ lưới hay làm rào che là qua một đêm các bụi hoa chỉ còn cọng, lá mất hết thật trông thật xác xơ tội nghiệp. Gia đinh nai có đến 7,8 con lớn nhỏ, nhởn nhơ thong thả đi lại, không sợ chủ nhà.

Đi loanh quanh trong xóm hay đến các công viên nhìn cỏ hoa tươi tốt, mượt mà cũng vui mắt. Các nơi bán cây cảnh bày đủ loại hoa khác nhau, rực rỡ màu sắc. Cũng nhờ thời tiết ấm áp nên quý vị cao niên có thể ra ngoài dự các buổi sinh hoạt do cộng đồng tổ chức, thăm viếng bà con và bạn hữu. Tuy nhiên có cụ cẩn thận vẫn mang theo áo khoác nhẹ khi ra đường. 

Thưa quý  độc giả, tôi nhắc đến quý vị cao niên vì các cụ là những người dễ bị ảnh hưởng thời tiết, hắt hơi, cảm cúm khi trời lạnh. Người trẻ tuổi họ mặc áo ngắn tay đi tung tăng ngoài đường phố từ cả tháng nay.

Một cựu nữ sinh Gia Long, dí dỏm xếp hạng những người cao tuổi như sau: 70 tuổi là người già; 80 tuổi là già khú; 90 tuổi là già khú đế. Tuy cao tuổi nhưng các cụ ở vùng Hoa Thịnh Đốn, phần lớn, còn khỏe mạnh, vui vẻ, và thường tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng. Tôi nhớ các cụ 80 tuổi ở Việt Nam ngày trước ít ra khỏi nhà và thường chằng phải làm việc gì cả. Trong nhà con cháu phụng sự, có khi rót nước uống cũng có người giúp.

Ngày nay ở Hoa Kỳ, 80 tuổi còn đi làm như chị bạn tôi đã vào hàng cao niên nhưng nhà thuốc vẫn mướn cho đến khi con cháu bắt chị ấy nghỉ hưu. Chị bảo đi làm có người ra người vào, chuyện trò bận rộn, vui hơn ở nhà, ra vào một minh vì chồng đã qua đời. Các con chị đều có nhà cao cửa rộng nhưng chị chẳng ở với ai cả tuy các cháu ân cần mới mọc. Chị chỉ ở gần các cháu mà thôi. Theo ý chị thì nhà mình, mình ở. Đọc sách khuya, dậy muộn cũng chẳng ai phàn nàn. Ở với con cháu mất tự do của chúng và của mình. Tôi biết có nhà thơ 102 tuổi, ở  một mình nơi chung cư dành cho người già, từ chối không chịu ở chung với con cháu. Đến chơi vài ngày hay ở 1 tuần rồi cũng trở về chung cư. Anh tự lo sinh hoạt hàng ngày, sáng tác thơ văn, trò chuyện với con cháu, thân hữu qua điện thoại nhưng không ở chung với ai. Thật không giống với các cụ ở Việt Nam ngày trước, ông bà, cha mẹ và các con cháu 2,3 thế hệ sống chung trong ngôi nhà rộng, có người lo cơm nước hầu hạ, phụng sự ông bà cha mẹ vào lúc tuổi thượng thọ.

Cách đây vài hôm, có 1 chị cưu giáo sư 90 tuổi, nghỉ hưu từ Mỹ về Việt Nam sống với  bà con. Nay chị trở lại Hoa Kỳ vừa để khám mắt, vừa thăm bạn hữu, chị em, và tránh thời tiết nóng nực quê nhà. Chị cho biết Huế, đang là mùa hè, nóng lắm. Chị đi một mình, không cần ai đưa đi suốt khoảng đường dài hơn 20 tiếng trên máy bay. Học trò cũ của chị, bạn bè biết tin, hết người này đến người khác mời chị dùng cơm trưa, cơm tối.

Cũng trong cùng một ngày tôi có người học trò năm xưa, bây giờ là Kiến trúc sư, từ Việt Nam đến thủ đô Hoa Kỳ dự hội thảo về kiến trúc, nhân cơ hội đi thăm cô giáo ngày xưa. Tôi phân vân vì  có hẹn với chị bạn cao tuổi, làm sao có thể gặp cả hai cùng một lúc? May quá em Khánh Trung cố gắng thu xếp đến thăm tôi vào giờ khác nên tôi có thể dự buổi họp mặt với chị bạn từ quê hương trở về vùng Hoa Thịnh Đốn.   

Thưa quý độc giả em Khánh Trung là học sinh cũ của tôi cách đây hơn 50 năm khi em còn là học sinh trung học. Nay em là Kiến trúc sư có tên tuổi nơi quê nhà. Khánh Trung và các bạn cư ngụ tại Hoa Kỳ liên lạc với nhau để cùng đến thăm cô giáo ngày xưa. Mang quà quê hương đến tặng và mời đi ăn, mừng ngày họp mặt. Các bạn của Khánh Trung không học với tôi ngày nào, chỉ là học trò trường cũ. Tôi thật sự  ngạc nhiên, cảm động và rất cám ơn các em. Thời gian  làm học trò của các em qua đã lâu và ai cũng bận rộn. Vả lại em Khánh Trung dự hội thảo ở tận Washington DC, còn tôi ở Virginia vùng Fairfax, cách nhau cả tiếng nếu không kẹt xe. Tuấn và Vũ cũng ở xa, nhà em Tùng tương đối gần hơn. Thì giờ eo hẹp nhưng các em cố gắng đến thăm cô giáo ngày xưa. Thật là quý hóa vô cùng.

Ngày  xưa các em là những học sinh trung học vô tư. Nay các em tóc đã điểm bạc, còn cô giáo là bà “già khú đế". Các em đã thành công, có sự nghiệp, đã có dâu rể, làm ông bà... Tôi từng tham dự các buổi họp mặt hàng năm của những cựu học sinh các trường trung học Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các em tổ chức tiệc tân niên, tất niên với cả trăm người tham dự để thầy trò, bạn bè có dịp hàn huyên, thăm hỏi nhau. Các em cựu học sinh Trung Học Nguyễn Trãi khác, đang cư ngụ tại Hoa Kỳ còn thỉnh thoảng cô trò gặp nhau. Khánh Trung ở Việt Nam xa xôi, chắc lo tôi “già khú đế" nên gắng đi thăm cô giáo lần cuối trước khi tôi vĩnh viễn ra đi?

Thưa quý vị, trước 1975, phần đông các giáo chức xem trường học và học sinh quan trọng như gia đình thứ hai của mình. Chúng tôi rất vui khi biết các em thành công, hạnh phúc, xót xa nếu các em gặp việc không may như khi nghe 1 cựu học sinh chết thảm trong chiến trường Campuchia ở tuổi thanh niên hay chìm trong lòng biển cả lúc vươt biên.

Nhớ lại, từ lúc nhỏ còn là học sinh trẻ con đến khi lớn thành sinh viên, học trò chúng tôi đều quý mến thầy cô giáo của mình. Vui biết bao thấy các cựu học sinh còn giữ nề nếp xưa. Sự viếng thăm các em là phần thưởng tinh thần cho giáo chức chúng tôi. Cám ơn các em nhiều lắm, các em cựu học sinh thân mến.

Theo tôi, Việt Nam thời trước 1975, tình cảm thầy trò, phu huynh học sinh, và nhà trường rất tốt đẹp. Học sinh phần lớn thân thiện với  đồng môn và quý mến thầy cô giáo. Có lẽ nhờ giáo dục gia đình. Học sinh, sinh viên Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng kính quý thầy cô giáo, các giáo sư của mình. Tôi có người bà con dạy ở Đại học Nha Khoa Hoa kỳ. Các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp, mở phòng mạch đã mấy năm mà Tết, Giáng Sinh vẫn gởi thiệp hay đến thăm và mang quà biếu thầy. Không thấy cô cậu sinh viên Mỹ nào đến thăm. Không biết với đồng môn và giáo sư  Mỹ, các sinh viên Mỹ có thân thiết hơn không?

Tóm lại tôi  cám ơn em Khánh Trung và các bạn đã dành thì giờ  quý báu đến thăm, tặng quà, cho biết tin tức các thầy cô giáo trường xưa, các bạn đồng môn ở quê nhà. 

Tôi cầu  chúc quý thầy cô, các em cựu học sinh Nguyễn Trãi, quý đồng bào quê nhà và hải ngoại thật nhiều sức khỏe, niềm vui, thành công  trong mọi việc, mãi hạnh phúc. Xin ơn trên ban phước lành cho tất cả các em, đồng bào, và gia đình.

Ngọc Hạnh - Virginia, ngày 2/6/25

 

BÀ MẸ QUÊ XỨ MỸ ĐI UBER

Tôi ở xứ Mỹ trên 30 năm rồi nhưng có nhiều việc tôi chưa biết hoặc không biết  làm để thích nghi với đời sống Mỹ.

Như đã có lần tôi kể bạn nghe khi tôi còn là sinh viên của trường "Đại học Trường Làng Portland Community College" vào những năm tôi mới đến xứ Mỹ, tôi không biết ăn món hamburger ngon lành thơm phức ở gian hàng bán thức ăn trong trường, trong khi bạn học Việt Nam ăn ào ào ì ì. Tôi chỉ biết ăn món cơm Việt Nam tôi mang theo ăn trưa ở trường. Tôi không thích mặc quần jean kiểu Mỹ, không thích ăn thức ăn Mỹ, không biết rút tiền ở máy rút tiền, v.v. Như vậy tôi là "Bà Mẹ Quê xứ Mỹ" là cái chắc rồi.

Từ lâu tôi nghe nói đến dịch vụ Uber như một hình thức đi xe taxi ngày xưa ở Việt Nam nhưng bạn không cần phải trả tiền mặt cho tài xế dịch vụ này mà tất cả chi phí sử dụng Uber được thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) của bạn. 

Hôm nay, nhân lúc có công tử về thăm ba mẹ, tôi bèn thử sử dụng dịch vụ Uber đi chợ Hồng Phát Super Center ở 4200 SE 82nd Avenue, Portland OR 97266  xem ra sao, để nếu có gì trở ngại thì gọi phone cho công tử đến "cứu bồ". Smile!

Trước đó một ngày, tôi vào Google tìm tài liệu về cách sử dụng Uber bằng Việt ngữ lẫn Anh ngữ để mà biết cách sử dụng Uber một mình, không cần sự giúp đỡ của công tử nhà tôi vì công tử nhà tôi  thường bảo với tôi rằng: "Mẹ cần tự túc tự cường tự giải quyết công việc, tốt hơn là nhờ người khác giúp mẹ".

Thế là hôm nay tôi tự đi chợ Hồng Phát bằng Uber với cẩm nang mà tôi mới tìm được trên Google. 

Tôi đã "step by step" (tôi thường thích  một mình nói câu này mỗi khi tôi làm một việc gì dù lớn hay nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày của tôi)  thực hành những gì tôi đã tìm hiểu được trên Google, in ra 3 trang giấy in.

Tôi phải đứng trước nhà tôi, chờ xe đến đón đúng người đúng chỗ, và tài xế Uber đã đến đón tôi đúng theo những gì Uber đã gửi lời nhắn trong phone của tôi: mấy giờ xe đến, xe hiệu gì, màu gì, tài xế tên gì, v.v. 

Tài xế Uber đã biết địa điểm chợ Hồng Phát (HP) vì tôi đã cung cấp những chi tiết cần thiết khi tôi gọi phone cho Uber. Thế là tôi tự đi Uber một mình trong khi công tử đang làm việc trên computer và ông "boss" của tôi còn ngủ nướng trong phòng. 

Tôi là người thích xã giao nên cũng "tám tía lia" với tài xế Uber. Cả hai cùng trò chuyện vui vẻ.

Khi đến chợ Hồng Phát, tài xế Uber đến mở cửa xe cho tôi xuống, và tôi đã cho típ $5 cho tài xế. Thế là cả hai người cùng vui ngày hôm nay.

Khi vào chợ tôi mới gọi phone báo cáo cho công tử nhà tôi biết rằng tôi đã đến chợ HP an toàn bằng Uber. Cậu công tử có vẻ ngạc nhiên lắm qua lời nói chuyện trong phone. 

Thế là tôi tung tăng đi chợ thoải mái gần 2 tiếng đồng hồ, rồi ra đứng trước cửa chợ Hồng Phát gọi Uber đến đón, đưa tôi về nhà theo thủ tục y chang lúc đi.

Tôi đi chợ lúc 10 giờ sáng và về nhà lúc 12:15 PM với 2 túi thực phẩm và 2 bao thức ăn tui mua để ăn trưa và ăn tối cho tiện việc sổ sách. 

Tài xế đến nhà bưng giúp tôi các túi thực phẩm để ở cầu thang. Tôi mở cửa vào nhà và công tử nhà tôi chạy ra giúp mang các túi thực phẩm vào nhà để trên bàn. Tôi bày thức ăn trưa ra mời ông boss của tôi và công tử. Ăn trưa xong, 2 ông boss lớn boss nhỏ của tôi trở lại sinh hoạt  như cũ, còn tôi lui cui một mình trong nhà bếp dọn dẹp, sắp xếp thực phẩm vào tủ lạnh. Thế là xong công tác của bà mẹ quê xứ Mỹ hôm nay.

Tôi  xin chia sẻ tâm tình này đến các bạn hữu của tôi trên mục MCTN - OBTB hằng tuần để khỏi vào Google tìm kiếm, tốn nhiều công sức lắm đấy nhé.

Sử Dụng Uber

Uber là dịch vụ thuê xe theo nhu cầu cho phép bạn yêu cầu tài xế riêng thông qua ứng dụng trên iPhone và thiết bị Android. Dịch vụ này sử dụng phần mềm vận tải để gọi tài xế gần nhất đến đón bạn. Không nên nghĩ rằng đây là dịch vụ đi xe chung hoặc dịch vụ gọi xe taxi – Uber sẽ gửi xe riêng cho bạn. Bạn sẽ không phải sử dụng đến tiền mặt vì chi phí cho chuyến đi sẽ được trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng liên kết với tài khoản của bạn. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn quá trình sử dụng Uber và gọi xe.

Phần 1: Đăng ký Uber

1) Truy cập vào trang web của Uber. Uber là công ty cho phép bạn đặt xe riêng tại bất kỳ thành phố nào mà Uber hoạt động. Tài xế xe không phải là nhân viên của Uber, và họ sẽ phải chi trả % cho Uber để được xuất hiện trong danh sách.

2) Bấm chọn đường dẫn Đăng ký (sign up). Bạn sẽ phải tạo tài khoản. Bạn cần cung cấp tên, số điện thoại di động, email, ngôn ngữ, và thông tin thanh toán cho Uber. Bạn có thể sử dụng mã số khuyến mãi từ bạn bè cũng đang sử dụng Uber vì Uber sẽ thưởng cho hai bạn khoảng 100,000 đồng vào tài khoản. [Bạn không nên đăng tải mã khuyến mãi cá nhân ở đây – điều này vi phạm chính sách và hướng dẫn của Uber và họ sẽ vô hiệu hóa tài khoản của bạn]. Bạn có thể truy cập vào trang web của Uber để nhận mã khuyến mãi nếu bạn không có bạn bè sử dụng Uber. Bạn cần phải sở hữu tài khoản thẻ tín dụng hoặc tài khoản PayPal hợp lệ để sử dụng dịch vụ của Uber.

3) Đọc qua điều kiện và điều khoản. Bạn nên nhớ bảo đảm rằng bạn chấp nhận điều khoản cũng như chính sách của Uber trước khi tiếp tục.

4) Nhấn nút Đăng ký (Sign Up). Tài khoản của bạn sẽ được tạo và bạn sẽ nhận được email xác nhận. Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu sử dụng Uber.

Phần 2: Tìm tài xế

1) Tải ứng dụng. Ứng dụng Uber có mặt trên Apple App Store, Google Play Store, và BlackBerry App World. Cài đặt ứng dụng vào thiết bị của bạn và khởi động nó.

2) Đăng nhập. Một khi bạn đã tải ứng dụng Uber về thiết bị, bạn cần phải đăng nhập trong lần sử dụng đầu tiên. Đăng nhập với tên người dùng và mật khẩu mà bạn đã đăng ký.

3) Lựa chọn loại xe. Uber có khoảng 5 loại xe khác nhau, tùy thuộc vào nơi bạn sống. Sử dụng thanh trượt bên dưới ứng dụng để thiết lập lựa chọn xe của bạn. 5 loại xe đang được uber sử dụng là:

* Black Car (UberBlack) – Đây là dịch vụ đầu tiên của Uber. Uber sẽ gửi ô tô sedan 4 chỗ cao cấp đến đón bạn khi bạn lựa chọn Black Car.

*  Taxi – Uber sẽ gọi taxi có liên kết với Uber cho bạn. Những loại taxi này thường giống taxi thông thường, chỉ khác ở chỗ bạn sẽ phải thanh toán chi phí qua ứng dụng.

*  UberX – Uber sẽ gửi xe ô tô 4 chỗ thông thường đến địa điểm của bạn. Đây là lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất của Uber.

*  SUV – Xe ô tô SUV 6 chỗ sẽ được gọi đến đón bạn. Dịch vụ này đắt tiền hơn Black Car.

*  LUX – Xe ô tô hạng sang sẽ được Uber gọi đến đón bạn. Đây là dịch vụ đắt tiền nhất của Uber.

4) Đánh dấu vị trí của bạn. Một khi bạn đã lựa chọn loại xe mong muốn, bạn có thể đánh dấu vị trí của bạn bằng biểu tượng đinh ghim trên bản đồ. Chiếc đinh ghim này sẽ cho tài xế biết rõ địa điểm họ phải đón bạn. Bạn cũng có thể tự điền vào điểm đón. Một khi điểm đón đã được thiết lập, hãy bấm chọn nút “Thiết lập Điểm đón” (Set Pickup Location).

* Bạn sẽ phải xác nhận lựa chọn của mình trên màn hình hiển thị.

* Bạn sẽ được cung cấp lựa chọn thanh toán bằng bất kỳ loại thẻ nào mà bạn đã cài đặt cho tài khoản của bạn. Đây là tùy chọn được bật theo mặc định.

5) Chờ xe ngay trước địa điểm mà bạn đã xác nhận. Không nên quay vào trong nhà nếu xe vẫn chưa đến và không nên di chuyển đến nơi khác vì tài xế sẽ không biết vị trí của bạn và sẽ đánh mất khoảng thời gian quý giá (của bạn) để tìm kiếm bạn. Uber sẽ cho bạn biết thời gian dự kiến xe sẽ đến đón bạn. Nếu không còn xe trống, bạn nên thử lại sau một vài phút, vì tài xế có thể sẽ trả khách và đón khách trở lại.

* Ứng dụng Uber sẽ cung cấp cho bạn số điện thoại của tài xế. Bạn có thể sử dụng nó để liên lạc với tài xế nếu bạn có yêu cầu đặc biệt nào đó.

* Nếu bạn hủy đặt xe trước khi tài xế đến khoảng 5 phút, bạn sẽ được hoàn lại 5,000 đồng phí gọi xe vừa bị trừ trong tài khoản thẻ của bạn, bạn sẽ không được hoàn tiền nếu đã quá thời gian này.

* Thời gian đón khách sẽ khác nhau tùy thuộc vào thành phố, thời gian, và khối lượng công việc.

6) Biết rõ giá cước. Uber tính phí dựa trên sự kết hợp giữa thời gian và khoảng cách. Nếu xe di chuyển dưới 18 km/h, bạn sẽ bị tính phí theo phút, và nếu trên 18 km/h, bạn sẽ bị tính phí theo km. Bạn cũng cần phải chi trả giá tiền gốc của dịch vụ, và số tiền này sẽ khác nhau tùy theo địa điểm.

* Tuy nhiên, quy định này không được áp dụng cho dịch vụ gọi xe taxi, vì giá cước taxi sẽ được thiết lập bởi nhà cung cấp taxi riêng.

* Giá cước sẽ khác nhau tại mỗi thành phố. Bạn nên nhớ kiểm tra trang web của Uber hoặc sử dụng công cụ ước tính giá cả trực tuyến. Mọi thành phố đều có giá cước tối thiểu.

7) Không thanh toán bằng tiền mặt. Mọi chi phí sẽ được xử lý tự động bằng dịch vụ Uber và thẻ tín dụng của bạn. Nếu bạn sử dụng dịch vụ TAXI, bạn có thể lựa chọn lượng tiền “boa” thông qua Cài đặt Thanh toán Uber (Uber Payment Settings) – mặc định là 20%. Bạn không cần phải cho thêm tiền bồi dưỡng khi sử dụng dịch vụ khác của Uber, bao gồm UberX, nhưng đây là hành động đáng quý. Bạn nên nhớ rằng chỉ có duy nhất Uber TAXI mới cung cấp tùy chọn tiền boa trong chi phí.

* Bạn có thể thay đổi lượng tiền bồi dưỡng thêm cho dịch vụ taxi trên trang web của Uber. Đăng nhập và chọn mục Thanh toán (Billing) để thay đổi lượng tiền boa mặc định. Bạn nên cẩn thận vì đánh giá 4 sao hoặc thấp hơn sẽ gây tổn hại đến tài xế và sẽ không tài xế nào muốn đến đón bạn trong lần gọi xe tiếp theo. Uber chỉ xem đánh giá 5 sao là đánh giá tích cực. Bất kỳ một con số nào nhỏ hơn 5 cũng sẽ gây ảnh hưởng đến dịch vụ của tài xế.

8) Gọi xe thông qua trang web hoặc tin nhắn SMS. Tại Mỹ, nếu bạn không thể truy cập vào ứng dụng Uber, bạn có thể yêu cầu xe thông qua trang web Uber phiên bản di động hoặc gửi tin nhắn địa chỉ điểm đón và tên thành phố.

Lời khuyên:

* Bạn có thể hủy đặt xe bằng cách chọn nút hủy trong ứng dụng Uber. Bạn nên hủy trong vòng 5 phút sau khi gửi yêu cầu để tránh mất phí 5,000 đồng.

* Bạn có thể tham khảo danh sách thành phố mà Uber đang hoạt động tại: https://www.uber.com/vi/cities/

* Cước phí Uber sẽ bao gồm 20% tiền boa khi bạn sử dụng Uber TAXI, sự hợp tác giữa Uber và các dịch vụ taxi hiện có. Nhưng nếu bạn sử dụng UberX, UberBlack, hoặc UberSUV, bạn sẽ không thể thêm tiền bồi dưỡng cho tài xế vào chi phí thanh toán.

* Tài xế Uber TAXI không làm việc độc quyền cho Uber, nhưng họ phải chi trả % cho Uber để được liệt kê trong danh sách.

* Về bài wikiHow này cùng viết bởi:Nhân viên của wikiHow

(Nguồn:https://www.wikihow.vn/S%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-Uber

(Cảm ơn người thực hiện trang Sử Dụng Uber này- wikiHow-Xin phép được giới thiệu tiếp đến bạn hữu của tôi. Sương Lam)

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn,

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 764-ORTB 1195-642025)

 

MẸ NHÍ

(Kể lại câu chuyện của chị K., xảy ra tại California, Hoa Kỳ.)

Một cô bé Mỹ lai, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ em thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng

- Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó?

Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm. Đứng chờ khoảng mười phút, cô bé được một người teller tiếp chuyện:

- Em mới có 12 tuổi rưỡi thôi? Không đủ quyền pháp lý để ký vào hợp đồng ngân hàng một cách độc lập đâu, em không thể tự mình mở tài khoản, ngay cả cho con mình, nếu không có người giám hộ hợp pháp, ví dụ cha mẹ, ông bà… Em đi một mình với baby thôi hả?

- Dạ vâng, cháu… em…

Cả hàng người phía sau đang chờ xôn xao hẳn lên, ai cũng có vẻ tò mò chuyện cô bé, muốn biết quan hệ của cô bé với đứa trẻ nằm gọn trong chiếc khăn kia.  người thì bảo “đó là em của nó,” kẻ thì đoán “là con gái của nó,” hàng xếp đang thẳng tắp từng người một, bỗng trở thành một đám đông tụ họp đứng vòng quanh cô bé trước counter để xem có thể giúp ích được điều gì cho cô bé, có người còn hỏi thẳng:-Vậy em có biết cha nó là ai không?

- Em thực sự chỉ mới… 12 tuổi thôi sao?

Với những câu hỏi phũ phàng, tới tấp của những kẻ không quen biết, cùng với sự từ chối thẳng thừng của nhân viên nhà băng, tất cả đã làm tăng thêm sự lo sợ, hoang mang, cảm thấy tủi thân và cô đơn, hai hàng nước mắt chảy dài ướt mặt. Cô bé nói trong nước mắt:

- Con phải làm sao đây? Cho con gặp… giám đốc của ngân hàng ạ?

Tôi mời Ann vào văn phòng riêng. Đưa em một hộp Kleenex, một chai nước lọc, đẩy đến trước mặt em một hộp kẹo lúc nào cũng sẵn có trên bàn làm việc.Trước khi ngồi xuống, Ann đặt con xuống chiếc ghế bên cạnh như đặt con búp bê, mở chiếc ba lô lấy ra một lô giấy tờ đưa tôi đọc, tâm sự:

- Thưa cô giám đốc, mẹ con qua Mỹ theo diện con lai, qua đây từ những năm 1994-1995, bà đi làm, thay đổi công việc rất nhiều hãng… Bà bắt đầu nghiện ngập từ ba năm nay, từ khi con ra đời đã không biết cha mình là ai… Mẹ buồn khổ vì những mối tình không trọn vẹn và công việc không theo ý muốn, mẹ tiếp xúc với những tên vô lại trên đường phố vô gia cư, bắt chước chúng uống rượu, hút thuốc, có bao nhiêu tiền bà đều mua rượu, say xỉn, rồi không đủ tiền bà đã… bán… con!

Nói đến đây cô bé Ann tủi thân, khuôn mặt gục xuống đất, hai tay xoắn lấy chéo áo, thút thít:

- Lúc đầu con chưa hiểu tại sao người ta lại đến dẫn con đi chơi, cho mẹ một số tiền để mua rượu và thuốc, mua quần áo đẹp cho con mặc, mua đồ ăn kẹo bánh mà con thích; con đã theo ông ta vào hotel mà ông nói là ở đó rất nhiều đồ chơi và đồ ăn ngon. Khi đến nơi con chỉ thấy một chiếc giường và hai người đàn ông lạ mặt người gốc Á đang chờ ở đó, họ tiến lại vuốt ve, nói lời ngọt ngào mà con chả hiểu được gì, cho con uống thứ nước ngọt mà khi uống xong rất buồn ngủ; trong cơn mơ màng, con thấy họ đã nằm lên con, vuốt ve hôn hít, nhưng con không thể nào có sức chống cự cũng không thể nào la hét… Con cảm thấy rất đau đớn, cái đau về thể xác thì ít mà đau về tinh thần rất nhiều, con oán hận mẹ đã lừa dối con, oán hận cái xã hội đã làm nên những con người sống ích kỷ, giả tạo vô đạo đức! Con cũng oán trách ông Trời, con có làm nên tội tình gì mà đã trừng phạt con nặng nề thế.

Tôi nghe Ann vừa khóc, vừa kể; cô bé còn vén quần lên cho tôi xem một vết cắn khá sâu, hằn những vết răng của những con quỷ đội lốt người trên đùi của em, dấu vết của những tên vô lại đã dằn vặt thể xác em khi lên cơn… Tất cả những tệ nạn xã hội trên đất Mỹ, trong những khu ổ chuột ở Cali này tôi đều đọc báo, xem TV thấy nói rất nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe chính miệng của một nạn nhân bé nhỏ, chưa đủ tuổi trưởng thành, nhỏ hơn cả các con tôi kể ra một cách uất ức như thế. Tôi cũng phải chảy nước mắt với Ann. Tôi nắm lấy hai bàn tay em như truyền thêm sức mạnh và san sẻ nỗi đau ấy, muốn giúp em trừng trị lũ “súc sinh” kia đã làm cho cô bé ra nông nỗi này.

Tôi cũng là người tỵ nạn sống kiếp lưu vong như mẹ của em, nhưng may mắn hơn thôi. Gặp những người đồng hương bị hiếp đáp, cuộc sống gian nan, tôi muốn giúp đỡ và bênh vực họ trong khả năng của mình, để dân tộc Việt trong mắt người ngoại quốc không đến nỗi thấp hèn, chung tay giúp đỡ để cùng nhau tiến lên, xây dựng một cộng đồng Việt vững mạnh trên đất Mỹ.

Ann khẩn khoản cầu xin tôi một cách tội nghiệp:

- Cô giúp con với, mở cho con một tài khoản riêng, con muốn được chính phủ giúp cho tiền sữa để nuôi em bé, con muốn làm một người mẹ tốt, không muốn sống như mẹ đâu! Con cũng hiểu vì quá nghèo khổ, lại bị thiếu thuốc vật vã, mẹ đã bán cái thân xác của con cho những… con thú, nhưng con biết mẹ cũng không vui đâu, mẹ càng uống nhiều rượu thêm nữa để quên đi cái điều mẹ làm không đúng với con, mẹ càng lấn sâu hơn vào con ma rượu mỗi khi chiều tối. Con cũng đã từng ngồi bên mẹ, tâm sự với mẹ, giúp mẹ trải qua cơn khó khăn cai rượu, nhưng không thể được, mẹ đã đánh con thiếu sống thừa chết để chạy vụt ra khỏi nhà đi mượn tiền mua rượu, mượn tiền đến nỗi không trả được phải… bán chính con gái ruột của mình! Con còn nhỏ thể xác nhưng đã lớn khôn trong suy nghĩ; từ lúc sanh con bé này, con không muốn cuộc đời mình sẽ giống như bà ngoại nó! Con tha thứ cho mẹ, nhưng không muốn mẹ sẽ dùng tiền sữa của con bé đi uống rượu!

Tôi giảng giải:

- Trước mắt nếu con không muốn mẹ là người giám hộ hợp pháp vì sợ bà lấy tiền của cháu bé đi uống rượu hay làm hại đến tương lai con, thì cô bắt buộc phải làm giấy tờ lên một dịch vụ bảo vệ trẻ em CPS, họ sẽ đưa hai mẹ con vào cơ sở tạm cư đặc biệt dành cho mẹ tuổi vị thành niên, chính phủ sẽ bổ nhiệm một người giám hộ hợp pháp tạm thời cho con, mọi quyền tài chính sẽ được người giám hộ này lo hết, như mở tài khoản ngân hàng, nhận trợ cấp chính phủ, riêng con cũng được đi học lại theo trình độ của con, họ sẽ cho hai mẹ con một chỗ ở an toàn nữa. Con có thể thuyết phục mẹ vào trung tâm cai nghiện rượu, sau đó họ sắp xếp cho một công việc phù hợp với mình, nhưng phải ráng làm việc, kiên nhẫn và chịu khó mới được

- Vâng, con hứa sẽ ráng làm người mẹ tốt để làm gương cho con gái, con sẽ để lại giấy tờ của con và con bé ở đây, nhờ cô làm tất cả giúp con nhé.

- Cô chỉ muốn giữ một bản sao thôi, còn bản chính con hãy giữ bên người, để lỡ có chuyện gì thì phải trình ra…

- Dạ!

- Chiều hôm nay ở nhà đã có đồ ăn chiều chưa? Có đủ sữa cho cháu bé bú hôm nay không?

- Con cho con bú… còn cơm chiều thì….

Thấy Ann ngập ngừng, tôi đoán chắc cháu không có tiền mua đồ ăn, tôi đưa $50 tiền riêng của mình, căn dặn:

- Cô cho riêng con số tiền nhỏ này, mua cơm ăn chiều nay, cô sẽ làm giấy tờ gởi lên nơi có trách nhiệm để con được một chỗ ở an toàn cho hai mẹ con và được chính phủ chu cấp. Vì con không có điện thoại liên lạc nên ba hôm nữa hãy đến đây gặp cô vào giờ này nhe.

Ba ngày sau…

Cả ngày làm việc tôi thấp thỏm, rất mong gặp lại Ann để báo tin vui cho biết là dịch vụ bảo vệ trẻ vị thành niên đã chấp nhận đơn xin của em, em sẽ có được chỗ ở tạm thời ngay lập tức, tránh xa bà mẹ nghiện ngập cứ muốn bán con gái mình để lấy tiền hút thuốc uống rượu. Tôi vui khi nghĩ đến em ấy sẽ được đi học lại, có tương lai tươi sáng, và đứa bé sẽ được gởi ở nhà trẻ gần đó.

Tôi đã phải bỏ thì giờ đến tận nơi để xin cho Ann, không muốn nhìn cảnh một đứa trẻ vị thành niên, chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để lo cho chính bản thân mình, thì làm sao nuôi thêm một đứa bé mới lọt lòng! Nhưng chờ mãi cả ngày, đến khi nhà băng đóng cửa vẫn không thấy tăm hơi của cô bé.

Hai tuần trôi qua, vẫn không có tin tức của Ann, tôi vô cùng lo lắng, sợ cô bé lại bị mẹ bán cho một môi giới nào đó, ở một tiểu bang xa xôi mà chính em ấy cũng không biết nơi chốn thì sẽ ra sao. Tôi rùng mình nghĩ đến những phim tài liệu nói về những cô bé vị thành niên bị bắt cóc, giam cầm dưới lòng đất cho đến mấy chục năm sau, làm nạn nhân tình dục cho những kẻ đồi bại bệnh hoạn, tôi đành phải điện thoại đến đường dây khẩn cấp 911 để báo cảnh sát truy lùng những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.

Từ hôm đó, hình ảnh của bà mẹ nhí 13 tuổi, tay bồng đứa bé mới sanh được đưa lên khắp các đài truyền thông và mặt báo.

Đến ngày thứ hai mươi, khi tôi đang dùng cơm phía sau nhà băng, cô teller mừng vui chạy vào tìm tôi:

- Helen ơi, ra xem có ai tìm cô này!

Tôi bỏ bữa cơm dở dang, theo cô nhân viên ra bên ngoài, bắt gặp khuôn mặt tội nghiệp của Ann gầy nhỏ, đôi mắt buồn trũng sâu, mất đi vẻ ngây thơ, tay vẫn bồng theo đứa bé nhỏ ngoan ngoãn nằm yên trong tấm khăn.

Thấy cô bé còn nguyên vẹn hình hài đứng trước mắt tôi, không như trí tưởng tượng của tôi trong mấy ngày qua, mừng quá tôi chạy vội ra ôm cô bé vào lòng như chính đứa con thân yêu xa nhà bấy lâu, dắt cô bé vào bên trong:

- Cháu có khỏe không? Sao mấy hôm nay cháu không đến đây như đã hẹn vậy? Có ai đã làm hại gì cháu không?

Cô bé nhìn tôi với ánh mắt của một người đã trưởng thành, già giặn, nghẹn ngào:

- Mẹ con đã… qua đời! Bà uống nhiều rượu quá, và cả thứ thuốc trắng mà tụi nó cho mẹ thử khi mẹ lên cơn. Mẹ ra đi mà không hề biết có con và đứa cháu ngoại bên cạnh, con đã cố gào thét tên mẹ, giựt tóc mai như bà bên cạnh nhà chỉ, gọi ambulance nhưng họ đã tới quá trễ! Sau đó con xin nhà quàn làm lễ nhỏ cho mẹ trước khi thiêu. May quá, tất cả không tốn đồng nào cả vì họ nói con nghèo quá, không có họ hàng nữa, họ làm thí cho con. Họ có đưa cho con cái hộp gỗ đựng tro cốt của mẹ, con đã tự đi rải tro ở bờ sông trong một park gần nhà, mỗi năm con sẽ đến đó nhớ về mẹ!

- Oh vậy à! Cô xin lỗi và xin chia buồn cùng con nhé! Con còn nhỏ mà trải qua bao sóng gió cuộc đời…

- Con cũng còn chút may mắn được những người bạn của mẹ quen biết chỉ cách con phải làm gì cho mẹ sau khi mẹ mất, còn cho con mượn tiền mua thức ăn và sữa cho bé vì con… không còn sữa nữa!

Tôi xót xa cảm động khi nghe Ann kể bị tắt sữa, con bé còn quá bé nhỏ phải chịu đựng sự đau đớn khổ sở, cái tuổi mà những đứa bé khác chỉ biết ăn biết chơi.

Tôi cắt ngang nét rầu rĩ của con bé:

- Thôi bây giờ để chuyện buồn sang một bên đi, cô muốn báo tin mừng cho cháu là cháu đã được trung tâm hỗ trợ trẻ em nhận đơn, cháu đã có chỗ ở rồi đấy, cháu có thể đến ở ngay hôm nay….

Cô bé giương cặp mắt to tròn lên nhìn tôi với vẻ nghi ngờ:

- Hôm nay sao? Hôm nay cháu có chỗ ngủ chính thức cho hai mẹ con sao? Có phải là sự thật không, cháu không nghe lầm chứ?

Những giọt nước mắt cảm động lẫn mừng vui bắt đầu lả chả rơi xuống khuôn mặt ngây thơ, hốc hác xanh xao:

- Cháu cám ơn cô rất nhiều đã giúp đỡ cháu nhé, cháu mang ơn cô suốt đời…

Không hiểu sao, tôi có một tình cảm thật đậm đà với cô bé này, dù chỉ mới quen em vài ngày thôi, câu chuyện của em đã làm lòng tôi xao xuyến, thương tâm. Tôi để hai mẹ con em ấy ngồi dưới bếp, dùng chút sữa với bánh trái cho đỡ đói, phone ngay xuống trung tâm nhờ người đến đón hai mẹ con cháu Ann, nhưng họ nhờ ngược lại tôi chở cháu xuống đó vì không có đủ nhân viên đi đón người mới.

Một tháng sau, tôi lấy vài ngày hè, người đầu tiên tôi nghĩ là đến thăm bé Ann, tôi muốn biết cuộc sống của hai mẹ con bây giờ ra sao, nhân tiện muốn đem một số quần áo còn mới của những đứa bé nhà giàu chỉ mặc qua một lần đã bỏ, vài thùng sữa bột và tã cho baby. Tôi miên man nghĩ về em trên suốt quãng đường đến trung tâm cách nhà tôi khoảng 45 phút, cũng ở trong Orange County, tưởng tượng đến khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt ngây thơ non dại của người mẹ nhí này…

Trước khi vào thăm ngôi nhà chung của Ann, tôi gặp cô Nhàn, giám hộ người Việt Nam tạm thời cho Ann, kể cho tôi nghe:

- Ann rất chăm chỉ học hành, còn nhỏ mà rất có trách nhiệm với đứa con, đến nhà trẻ thăm con vào mỗi giờ nghỉ giữa ngày của buổi học, lo cho con bú điều độ và đúng giờ. Ngày cuối tuần em cũng giành hết thì giờ cho con nhỏ, khi baby ngủ thì Ann ngồi vào bàn học ngay, rất ít đi chơi. Nhìn cô bé chăm chỉ mà mình rơi nước mắt vì chưa thấy có ai giống vậy, Ann là một ngoại lệ, em đã trưởng thành trước tuổi, những cô bác sống xung quanh đều muốn giúp em một tay nuôi bé nhưng em luôn từ chối để tự mình trông con.

Tôi gặp Ann với đứa bé ở hàng hiên phía sân sau ngôi nhà. Ann đang lúi húi làm bài tập ở trường, con bé con nằm sát một bên, ngoan ngoãn như con búp bê. Ann ngẩng đầu lên, bất chợt thấy tôi, bé mừng rỡ, vứt ngay cây bút xuống bàn, chạy ra ôm chầm lấy tôi:

- Cô Helen! Cô Helen có khỏe không? Con nhớ cô rất nhiều, con mong cô đến chơi lắm!

- Cô mang cho cháu một chút quần áo, sữa và tã cho baby, với lại xem cháu có thích nghi với cuộc sống mới này không? Có vui không hay lúc nào cũng… nhớ về quá khứ?

- Cháu rất ok, cháu bận quá nên không có thì giờ nghĩ đến việc đã qua nữa… Với lại đã qua rồi thì… buồn cũng không làm gì được!

- Cháu thật ngoan và can đảm lắm, cô rất khâm phục đó!

Tôi bế đứa bé lên hôn lên đôi má hồng đào của nó, hỏi Ann:

- Con đặt tên cho búp bê này là gì vậy?

- Dạ là Dove, con mong cuộc đời nó phẳng lặng và an lành như con chim bồ câu đem sự thiện lành đến cho những người mà nó gặp trong cuộc sống của nó.

- Thật dễ thương và ý nghĩa quá! Sao cháu có thể nghĩ ra tên này vậy? Có ai chỉ cho cháu không?

- Cháu rất thích ngắm chim bay, những con chim bồ câu trắng hay đến đầy sân nhà cháu khi mẹ còn sống, lúc đó con còn rất nhỏ, mẹ hay nói là bồ câu trắng đem lại sự hòa bình, yên vui cho mọi người, nên từ đó hình ảnh con bồ câu trắng mãi trong trí óc của con.

Tôi ôm Ann vào lòng, thấy thương con bé sớm côi cút, rất hiểu chuyện. Tôi đề nghị:

- Cô chỉ có một mình ở nơi đất khách quê người mà thôi, cô có một con trai lớn, nó đã có gia đình riêng rồi, cháu có muốn… làm con gái út của cô không? Mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, hai cô cháu mình sống nương tựa với nhau cho tới khi cô trăm tuổi có được không?

Ann mừng rỡ ôm chặt lấy tôi như sợ tôi biến đi mất. Tôi cảm nhận được trái tim cô bé đập thật nhanh với tất cả sự biết ơn và hạnh phúc:

- Con… con xin cám ơn cô, sẽ mang ơn này suốt đời… Con vui quá, từ đây con sẽ có cô là người thân duy nhất trên cuộc đời này rồi… Con xin hứa sẽ là một người tốt để không phụ lòng cô!

Thời gian vun vút trôi, tôi đã về hưu sau khi cống hiến trên 30 năm cho ngân hàng Bank of America, con trai tôi đã theo công sở rời nhà qua Minnesota, rất hiếm khi về thăm mẹ, nhưng nó rất yên tâm vì thấy cách cư xử của Ann đối với tôi thật trọn tình trọn nghĩa. Ann đã lập gia đình với một người Mỹ làm cùng hãng, sống cách nhà tôi một con đường, chiều nào hai vợ chồng cũng đi bộ đến nhà để cùng ăn cơm tối với tôi. Cả hai đã có thêm một đứa con trai, Jimmy 11 tuổi, cháu bé trai này được tôi nuôi ẵm bồng từ lúc mới lọt lòng nên quấn quít bà ngoại lắm. Cháu nói chuyện với gia đình bằng tiếng Mỹ, nhưng khi qua nhà bà thì đổi sang tiếng Việt không dấu, chút ngọng nghịu thật dễ thương làm sao.

Còn bé Dove đã thành cô gái 21 tuổi, duyên dáng, đang theo học bác sĩ, cô bé có trái tim nhân ái, yêu thương giúp đỡ mọi người như cái tên Dove của cháu vậy.

Từ khi đặt chân đến nước Mỹ, quê hương thứ hai, đất nước của tự do, của những giấc mơ, hoài bão về tương lai, tôi đã nguyện với lòng trước nhất phải thành thân, kế đó giúp đỡ cộng đồng người Việt lớn mạnh, tự lực, không là những kẻ ăn bám xã hội, nay tôi đã toại nguyện, đã thực hiện được giấc mơ ấy!

Cơn gió nhẹ thoáng qua, những mảnh nắng vỡ nhảy múa lung linh trước thềm, tiếng chân thằng bé Jimmy chạy từ nhà sau lên, ôm lấy ngang hông tôi:

-Thưa bà con mới đi học về, cám ơn bà đã “giặt” cái xe đạp cho con hết bụi nhé!

Một đời rời bến sang sông,

ali nắng gắt mà lòng vẫn xuân.

ay không gầy dựng muôn phần,

ay con cháu vững, thành nhân, rạng ngời.

Phố Bolsa, chợ tiếng cười

Hồn quê chan chứa giữa trời Tây phương.

Cuối đời nhìn lại chặng đường,

Lệ rơi vì đã trọn thương phận mình.

Sỏi Ngọc - Montreal, May 2025


Có những chuyện rất thường, có những hình ảnh rất quen thuộc hàng ngày, nhưng đến một lúc nào đó nó trở nên đặt biệt. Nó khiến mình suy tư và lắng lòng cảm xúc.

Như tôi buổi sáng nay đi trên con đường này, con đường quen thuộc trong xóm. Tôi bất chợt dừng bên sidewalk của một căn nhà rất quen. Bao nhiêu ý nghĩ dội về. Căn nhà này cũng là một căn nhà bình thường trong xóm với lối xây dựng, mẫu mã giống giống như nhau. Những bậc thềm, những mái nhà, phía trước, cửa sổ thay đổi chừng 4 kiểu na ná nhau trong khu vực do nhà thầu thiết kế. Mỗi sáng tôi đi bộ loanh quanh trên sidewalk trong xóm, mấy ngàn bước chân đều đặn, ghé lấy thư rồi về lại nhà. Tiêu chuẩn một ngày thể dục của người già. Những căn nhà tôi quen thuộc đến từng bụi hoa, sân cỏ. Nhà  này hôm nay bụi hoa đã nở, nhà này cây lựu đã đậu thêm mấy trái, cây chanh nhà này năm nay sai trái quá, nhà này chắc giàu, đậu toàn xe BMW và Tesla... Những lời chào của người hàng xóm, những cảnh vật trước mỗi nhà cho tôi một buổi sáng bình an.

Căn nhà đó cách nhà tôi chỉ một block đường. Đứng ở phía trước nhà tôi có thể nhìn qua bên ấy. Căn nhà có cái sân trước cắt cỏ thật đẹp, chăm sóc thật kỹ, những chậu hoa trước nhà nhỏ, tươi thắm. Chủ nhà là một người Mỹ lớn tuổi. Sở dĩ tôi chú ý là vì ông thường xuất hiện gần như thường xuyên mỗi sáng ở sân cỏ trước nhà. Ngoài cắt cỏ, cắt xén ngoài rìa cho đẹp, bỏ phân, tưới nước, ông còn dùng máy rải thêm hột cỏ định kỳ. Có khi tôi đứng lại chào ông buổi sáng đi ngang qua. Tôi còn đứng lại xem cách ông làm, khen cỏ ông chăm sóc, những hoa trong chậu ông trồng... Nghe đâu ông là cựu quân nhân đã về hưu rất lâu. Ông đặt mua căn nhà đó khi nó còn trên bảng vẽ, chủ thầu mới dựng nọc nền.

Đầu năm ngoái xe cấp cứu đến nhà ông hai lần. Tôi đứng bên nhà nhìn qua. Xe chữa lửa, xe cấp cứu hú còi báo động vang rần cả xóm tôi. Chiếc băng ca đẩy ra và chiếc xe rời khỏi xóm. Lần thứ ba khi chiếc xe cấp cứu đến nghe bà hàng xóm nói ông đã ra đi. Đó là ngày Memorial Day, tôi đứng bên nhà nhìn qua và tôi cúi đầu thầm nghĩ: "Ngày Memorial Day người lính đã về với đồng đội."  Dường như cái từ “lính” nó đi theo tôi và chi phối tư tưởng tôi rất nhiều. Có lẽ vì tôi từng là vợ lính, mẹ lính nên cảm xúc thường bén nhạy về lính hay chăng.

Sân cỏ nhà ông được giao cho nhóm cắt cỏ mướn. Cứ cách tuần, hai vợ chồng người Mễ, khá to con, đến nổ máy làm việc rất sớm. Tôi đi bộ ngang qua đôi khi né vòng ra ngoài đường vì họ thổi lá cây bụi bay mù trời. Dù chăm sóc định kỳ nhưng cỏ không còn đẹp và xanh tươi như trước. Căn nhà im ắng, hoa trước nhà ông một số được thay đổi, một số dẹp luôn. Thỉnh thoảng có những người trẻ tuổi đến nhà ở lại. Mùa hè có trẻ con chạy nhảy ngoài sân, xe đậu trước nhà hai ba chiếc. Bình thường căn nhà đó chỉ còn bà vợ ông ở. Tuổi bà chắc cũng khoảng  80. Đó là một bà Mỹ già mập mạp. Tôi bắt gặp đôi lần bà ra săm soi mấy chậu hoa trước nhà nhưng bà ít đi ra ngoài lắm. Năm nay, hai lần xe cấp cứu hú còi dừng lại cũng căn nhà đó. Lần đầu, lúc đẩy ra, tôi thấy người bà còn tỉnh, đầu được nâng cao, bàn tay còn đưa ra nắm tay người con trai nói gì đó. Lần thứ hai bà nằm im, đầu thấp xuống, không khí trầm hẳn lại, bà hàng xóm cạnh nhà tôi đưa tay làm dấu thánh giá. Lần đó bà đã không trở về nhà.

Hôm nay tôi đi ngang căn nhà đó lòng chợt thấy buồn. Cỏ vẫn được cắt, nhưng hoa bên cạnh nhà đã dẹp hết trống trơn. Nhà cứ đóng cửa im lìm không thấy người đến ở.  

Những năm về trước, căn nhà này đều cắm dọc theo vòng đai sân cỏ những lá cờ Mỹ khổ nhỏ. Trước sân treo lá cờ Mỹ to tướng. Bây giờ căn nhà lặng lẽ, trống trơn, trơ trụi như người lính đã ra đi, giã từ tất cả trở về số không.

Ngày Memorial của Mỹ. Trong máy tôi, trên email  bạn bè gửi đến những bài viết, những bài thơ về người lính Mỹ, người lính VNCH còn sống và đã chết. Những người đã hy sinh để bảo vệ chân lý và tự do. Những người đàn ông "da ngựa bọc thây" của ngày xưa, còn bây giờ là trở về trên quan tài có phủ lá cờ tổ quốc.

Tôi nghĩ đến đời người trong quy luật tử sinh. Người lính trong chiến tranh chết chóc. Những tính toán trên bàn cờ chính trị có thể hủy diệt một chế độ. Những lợi ích cá nhân hay đảng phái có thể quyết định sinh tử biết bao nhiêu người dân vô tội. Cái chết không quy định bạn bao nhiêu tuổi và chết cách nào, giờ nào. Cái chết không hẹn trước nên mỗi ngày, buổi sáng thức dậy thấy mình còn khỏe mạnh bình an là một ngày hạnh phúc. Nói như một bài giảng của thầy Pháp Hòa “Trên đời không có gì chắc chắn hay trường cửu chỉ chết là chắc – Chết chắc." Chết là hết, là không trở về là bỏ tất cả là phủi tay là vĩnh biệt là chấm dứt là “un point final”.

Tháng năm chúng tôi vĩnh biệt Nguyễn văn Quang một người lính VNCH cũng là bạn già thời trung học. Ngày đó, chúng tôi còn nhỏ vô tư chỉ biết học hành. Tôi đã chứng kiến cảnh người dân bị treo cổ, thân xác lòng thòng trên một nhánh cây cao su  bên cạnh là một bản án. Cảnh một người dân trong làng bị bắn gục, trên cổ treo một tờ giấy gì đó. Ngoài đường là hai cây cao su bị chặt ngáng ngang đường đắp mô. Những hình ảnh kinh hoàng đập vào mắt của những học trò trường quận sống trong vùng xôi đậu mãi mãi là vết hằn không phai trong ký ức chúng tôi.

Khi bước vào cổng trường, qua cửa lớp, ngồi vào bàn lời thầy dạy luôn là khuôn vàng thước ngọc về đạo đức, vị tha. Những bài giảng về lòng yêu nước, về thế hệ thanh niên phải sống khỏe mạnh, biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ người già, kẻ yếu, biết kính trên nhường dưới, là anh em như thể tay chân, là đồng bào phải biết yêu thương  giúp đỡ, ... Bài dạy tuyệt đối không hề có thù hằn, chém giết, hận thù. Không hề nói gì về chủ nghĩa Quốc gia hay Cộng Sản. Những bài dạy về  kiến thức và văn chương để chúng tôi học thi lấy bằng cấp bước vào đời. Những bài dạy về cái hay, cái đẹp trong cách cư xử để làm một người văn minh có nhân cách sống xứng đáng trong xã hội.  Do đó mãi đến bây giờ hình ảnh người thầy trong trái tim những người học trò già chúng tôi mãi mãi tốt đẹp, sáng trưng, mô phạm. Ngôi trường và những vị thầy dù có được học trực tiếp hay không chúng tôi vẫn luôn kính trọng.

Bây giờ đã bước vào tuổi bát tuần, chúng tôi đã có cháu nội, cháu ngoại; có người đã có cháu cố nhưng ngôi trường với thầy cô, bạn hữu luôn là một điểm tựa, nơi để quay về mỗi năm đoàn tụ.

Tháng năm chúng tôi nhận được tin buồn phu quân của cô Hoàng thị Minh Nguyệt là ông Trần Công Tằng qua đời tại San Diego thọ 94 tuổi. Tôi không được học với cô Minh Nguyệt, nhưng cô là một người tôi vô cùng kính mến và khâm phục. Dù số tuổi mỗi năm mỗi cao nhưng cô xuất hiện trong những lần họp mặt vẫn luôn luôn tươi trẻ, xinh đẹp và đầy sức sống. Cô truyền cho chúng tôi một năng lượng sống dồi dào. Cô hát, múa và sẵn sàng tham gia trong chương trình văn nghệ bằng tất cả niềm vui với học trò. Cô cũng là một người vợ tận tụy bên chồng chăm sóc cho thầy đau yếu, bệnh tật rất nhiều năm. Đám tang thầy, tôi không thể đến tham dự để chia buồn cùng cô. Em thật lòng xin lỗi, mong cô thông cảm cho em.

Ngoài ra, còn có Phu Quân cô Phan Thị Tốt là ông Huỳnh văn Sái qua đời  tại Washington State thọ 92 tuổi. Các học sinh Ngô Quyền không thể đến để đốt hương cho thầy và chia buồn cùng cô vì quá xa không thu xếp được. Mong cô thông cảm cho chúng em.

Tháng năm chúng tôi tiễn biệt thầy Mai Kiến Phúc, thầy dạy Lý Hóa thật giỏi của trường trung học Ngô Quyền đi vào thiên thu.

Thầy Mai Kiến Phúc là người thầy được cựu học sinh Ngô Quyền vô cùng kính yêu. Thầy luôn có mặt trong mỗi năm họp mặt Ngô Quyền. Thầy ít nói nhưng nụ cười thầy rất ấm áp, luôn vui vẻ mỗi khi học trò đến hỏi thăm sức khỏe và xin chụp hình chung. Thầy ra đi thật nhanh khiến ai nghe tin cũng bất ngờ. Học sinh Ngô Quyền đến tiễn đưa thầy trong ngày tang lễ khá đông. Những người học trò tuổi không còn trẻ đến tiễn người thầy cũ của mình với tất cả sự trang trọng, tôn kính. Anh Dương văn Y đã phát biểu trong ngày lễ tang của thầy thật cảm động. Anh kể về những ngày thầy về dạy tại trường, những việc thầy làm cho học trò, những lời khuyên vàng ngọc anh nhớ mãi không quên.


Trên trang Web trường những tâm tình, những kỷ niệm về thầy được các cựu học sinh Ngô Quyền viết ra trên trang Một Góc Thầy Trò đủ để chứng minh người thầy quan trọng thế nào với thế hệ mai sau.

Chúng tôi sinh ra và trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Chúng tôi cũng là nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử sang trang. Chúng tôi thấy rõ và phân biệt cái hay và dở về sự giáo dục, chính trị, đời sống xã hội của hai chính thể VNCH và XHCN. Những gì chúng tôi học được dưới mái trường thời VNCH vô cùng quý báu. Không như các cháu tôi bây giờ, phương tiện học thật đầy đủ nhưng những kỷ niệm tốt đẹp trong trường lớp, thầy cô thì thua xa lắc xa lơ.

Tháng năm, chúng tôi được phu quân cô Huỳnh Thanh Mai mời tham dự ngày giỗ đầu của cô tại tư gia. Tư gia cô Mai là một ngôi nhà ấm cúng trên đường SummerWood ở Garden Grove. Tôi nhớ ngôi nhà này vì ngoài sân trước, phía hông nhà là một khoảng sân cỏ khá rộng.

Một lần cùng nhóm Ngô Quyền đến chúc tết thầy cô. Cô Mai và chồng dẫn chúng tôi đến khu vực đó và nói rất chân tình:

- Nếu các em muốn tổ chức tiền hội ngộ Ngô Quyền ở đây, cô sẵn sàng. Trong nhà, ngoài sân và cả khu vực này cứ sử dụng.

Thật lòng cám ơn sự nhiệt tình của thầy cô Thanh Mai nhưng địa điểm quá sát đường, không thể tập trung mọi người sinh hoạt văn nghệ và ăn uống nên đành phụ lòng thầy cô.

Nói ra điều đó để thấy thầy cô Thanh Mai rất nhiệt tình với những sinh hoạt Ngô Quyền. Năm nào họp mặt thầy cô đều có mặt. Cô thầy đến sớm, trang trọng trong cách ăn mặc và luôn vui vẻ với mọi người. Ngọc Huệ thủ quỹ của Ngô Quyền từng tâm sự: "Cô Thanh Mai là một trong số những mạnh thường quân ủng hộ nhiệt  tình nhất." Khi cô lâm bệnh nặng nghĩ không thể qua khỏi. Cô đã làm một số bao lì xì và dặn chồng gửi đến lì xì Tết cho chúng tôi. Nhận được phong bao đỏ với chữ viết ghi tên từng người chúng tôi vô cùng cảm động. Chỉ mấy tờ 2 đồng mới nhưng tấm lòng và sự thương yêu của cô khiến chúng tôi rưng rưng nước mắt kính thương và trân trọng.

Chúng tôi đến đốt hương trên bàn thờ cô Thanh Mai, chia buồn với thầy cùng các con của cô. Giỗ cô nên bà con và học sinh Ngô Quyền đến khá đông. Thầy chỉ ra phía sau giới thiệu mấy cây quýt sai oằn những trái và ngọt vô cùng. Con cô đem bịch nilon ra bảo chúng tôi cứ hái về ăn. Thầy giới thiệu một công trình thầy mới làm xong. Đó là một cái storage shed khá rộng, thầy biến thành một căn phòng khá đẹp với giường, bàn viết, võng có TV, và một số tiện nghi khác. Hỏi thầy để làm gì? Thầy nói để thỉnh thoảng ra đây nghỉ ngơi.

Mặc dù cô Thanh Mai đã mất nhưng phu quân cô vẫn có mặt trong những sinh hoạt của Ngô Quyền. Đó có thể chứng tỏ được tình yêu thầy dành cho cô rất nhiều.

Chúng tôi ra trước nhà thầy cô để chụp một tấm ảnh lưu niệm. Thầy mời dùng cơm ở nhà hàng Seafood Cove gần nhà, đi bộ  vài bước là tới. Sau bữa ăn, chúng tôi đi ra nghĩa trang viếng mộ cô Thanh Mai rồi mới tan hàng.

Tháng 5 năm nay, mặc dù là có ngày Lễ Mẹ nhưng trong tôi là một tháng 5 buồn. Một vài người bạn văn chương nằm xuống. Thế hệ đầu tiên đến Mỹ lần lượt gục ngã vì tuổi già sức yếu. Những căn nhà khang trang được gầy dựng bằng những ngày mới đến Mỹ cày 2, 3 job quên ăn bỏ ngủ để tạo một mái ấm cho con. Bây giờ, may mắn lắm hai vợ chồng còn đủ nhưng đa phần một người đã bỏ cuộc ra đi, người còn lại lặng lẽ cuối đời. Con cái như chim trời bay đi gây dựng một nơi ấm áp cho riêng mình. Căn nhà mấy chục năm qua vẫn y như vậy. Nhưng giờ thấy rộng ra trống trải, quạnh hiu. Tuổi già 80, 90 hiu hắt nhìn quanh. Rồi sao nữa, nhóm bạn già email qua lại với nhau để chọn một giải pháp tốt nhất cho những ngày còn lại của mình. Tìm một nơi dưỡng lão cuối đời, lấy căn nhà thế chấp trả tiền viện phí cho tới ngày nhắm mắt. Hay là dùng số tiền đó mướn người về chăm sóc. Buồn thay đó là những người thành công trong đời sống mới ở xứ người. Phần lớn con cái họ đều rất thành đạt nhưng không người nào nói sẽ sống chung với con đến ngày cuối đời. Email qua lại khiến lòng tôi chùng xuống trong tháng năm Lễ Mẹ và sẽ tới tháng 6 Lễ Phụ Thân.

Dọn đường cho những ngày cuối đời là việc làm thực tế mà bất cứ người già nào cũng phải nghĩ đến. Con cái đều có một gia đình riêng, chúng không thể ở bên phụng dưỡng cha mẹ như "Nhị Thập Tứ Hiếu" mà chúng ta học hồi còn bé xíu. Ngày xưa cha mẹ mong mỏi sinh con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Bây giờ thực tế cho thấy đa phần con gái lại ở gần cha mẹ già. Cho nên những quan niệm cổ hũ, những tư tưởng phong kiến không còn đất sống và không thể nảy mầm.

Cuối tháng 5 các cháu nội tôi đã nghỉ hè. Các cháu facetime mời bà tháng 6 qua thăm. Bà nội cũng muốn lắm nhưng lỡ lấy tour đi chơi mấy ngày và còn vài cái hẹn của bác sĩ nên bà nội hẹn qua tháng 7. Nhưng khoan đã, tháng 7 bà nội còn làm học trò già đi họp mặt Ngô Quyền. Bà nội hẹn con trai và cháu nội gặp nhau sau ngày 6 tháng 7. Con trai mua vé, mẹ già sẽ qua thăm.

Nhưng các bạn ơi! Muốn tới nhà con trai đâu phải dễ, bà nội già phải đi máy bay mới tới. Mà đi máy bay cũng đâu phải dễ. Phải tới trước 3 tiếng đồng hồ làm thủ tục và chờ đợi. Chưa hết, đôi khi xuống máy bay phải chạy cho kịp chuyến bay kế tiếp sợ trễ giờ bay. Bây giờ hai chân còn khỏe chút xíu để tiếp tục những chuyến bay thăm con. Vài năm nữa không biết sức khỏe thế nào.

Thôi thì trăm sông đổ về biển, nước mắt chảy xuống, cái gì đến sẽ đến. Cứ vui những ngày ta làm - tỷ phú thời gian - tận hưởng những hạnh phúc ấm áp quanh ta ở tuổi này. 

Phải không các bạn?

Nguyễn Thị Thêm

CHẲNG NỢ GÌ NHAU

Năm ấy Hảo 22 tuổi đang làm việc trong một ngân hàng ở  Sài Gòn, công việc lịch sự lương cao. Hảo xinh gái, con nhà khá giả, gia giáo trong xóm. Nàng là một cô gái có đủ điều kiện để người ta mơ ước yêu và cưới làm vợ.

Mẹ nàng sốt ruột thấy con gái yêu “sáng giá” như thế mà vẫn chưa có ai. Hảo trấn an mẹ: “Có người đang theo đuổi con, mẹ để từ từ con xem thế nào.”

Hảo nói thế cho oai chứ thật ra Hảo mới là kẻ đang theo đuổi người ta.

Nàng yêu thầm Thái, anh không quân đẹp trai hát hay đàn giỏi, ăn nói ngọt ngào. Hảo gặp và quen Thái trong một lần đi ủy lạo thăm chiến sĩ miền xa, bản doanh đóng tại Pleiku. Thỉnh thoảng mỗi lần về thành phố Thái đều hẹn Hảo rủ nàng đi dạo phố, xem xi nê, ăn kem. Họ đi bên nhau đẹp đôi dù chưa thành đôi, ngay cả chưa một lời yêu.

Ngồi bên Thái nghe chàng hát Một Chuyến Bay Đêm, Hảo ước ao được bay cùng anh chuyến bay này. Nghe Thái hát Tuyết Trắng, Hảo lại ước ao được làm người yêu của anh, tặng anh chiếc khăn ấm chính em đan. Hảo hi vọng và chờ đợi. Chắc Thái đang tìm hiểu nàng và một ngày nào đó chàng sẽ tỏ tình. Có hai con người trong Thái, một nghệ sĩ và một chiến sĩ. Hảo yêu quí cả hai.

Gần 2 năm trời dù Thái vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ, ngọt ngào chiều chuộng nhưng chàng chẳng tiến xa hơn. Đôi lúc Hảo giận hờn Thái quá vô tình nàng chỉ muốn đi lấy chồng cho hả dạ. Đúng lúc này thì mẹ nàng thông báo:

- Dì Minh, bạn của mẹ muốn làm mai một chàng trai ở Xóm Mới cho con. Anh Đạo làm việc ngay tại Sài Gòn, đạo công giáo như nhà mình, gia cảnh khá giả hơn nhà mình. Nhà mình chỉ có 2 tầng lầu, nhà cậu ta 5 tầng lầu, to cao nhất khu phố. Mẹ đồng ý.

Hảo dãy nảy:

- Ai giới thiệu đám nào mẹ cũng đồng ý trước cả con. Nhưng…

Mẹ nàng ngắt lời:

- Con đừng có nói là đang tìm hiểu anh chàng Thái không quân của con nhé. Mấy lần nó đến nhà mình, tướng tá đẹp trai hào hoa lại ăn nói hoạt bát ngọt ngào quá làm mẹ e ngại và không mấy cảm tình.

Hảo bắt bẻ mẹ:

- Người ta có bao nhiêu ưu điểm mà mẹ không cảm tình? Mẹ muốn con lấy chồng xấu hả?

Mẹ nàng bắt bẻ lại:

- Con biết gì về gia cảnh thằng Thái? Nhà cửa thế nào, cha mẹ thế nào?

- Đại khái là anh ấy chưa mồ côi cha mẹ, có 2 đứa em, nhà anh ấy ở  cầu chữ Y.

Hảo chỉ nghe loáng thoáng qua bạn bè Thái hoặc đôi lúc Thái nhắc đến chứ chưa bao giờ Thái đưa nàng về nhà và gặp gỡ những người thân của Thái cả.

Cuối cùng Hảo chịu thua mẹ, nàng sẽ chờ đợi Thái đến bao giờ? Anh ngọt ngào đấy, anh chăm sóc đấy, anh hẹn đi chơi đấy nhưng chưa phải là tình yêu. Thái của nàng chỉ là hình bóng như giấc mộng trong khi anh Đạo Xóm Mới là có thật, đẹp trai con nhà giàu và đang muốn quen nàng để tiến tới hôn nhân.

Dì Minh đưa anh Đạo đến ra mắt gia đình Hảo cho đôi trẻ gặp mặt, không là lính không quân mà Đạo cũng đẹp trai cao ráo không thua gì Thái. Cha mẹ Hảo ưng ý ngay, Hảo cũng đồng ý làm quen. Cha mẹ Hảo tạo cơ hội cho đôi trẻ gặp gỡ trò chuyện riêng, khi thì ngay tại nhà khi thì cùng đi chơi phố.

Đạo nhanh chóng yêu thích Hảo, cuối tuần nào Đạo cũng đến nhà Hảo ở chơi mãi chẳng muốn về và thường được mẹ Hảo mời ở lại ăn cơm, thân mật như con cái trong nhà.

Vài tháng sau cha mẹ Đạo làm một đám dạm ngõ linh đình cho con trai, dự tính cuối năm ấy sẽ làm đám hỏi và đám cưới.

Cha mẹ Hảo sung sướng nở mày nở mặt với mọi người vì con gái sắp gả vào một nơi tử tế giàu sang. Còn Hảo nửa vui nửa buồn, nàng không yêu Đạo nhưng nàng cũng không ghét Đạo, giá mà không có hình bóng Thái thì Hảo sẽ vui trọn vẹn với cuộc hôn nhân này.

Bẵng đi mấy tháng bặt tin, một buổi chiều thứ Bảy, Thái đến tìm Hảo. Chàng đợi Hảo trước cửa ngân hàng vào giờ tan làm để hẹn nàng chiều mai Chủ nhật cùng nhau đi ăn và nghe nhạc như thường lệ mỗi lần chàng về phép.

Hảo đã vừa buồn giận vừa kiêu hãnh báo tin:

- Em không thể đi chơi cùng anh nữa, em sắp lấy chồng rồi, em đã làm đám dạm ngõ.

Chàng khẽ thở dài:

- Sao em vội thế, để anh chiều nay qua phố một mình.

Chàng từ biệt quay đi để Hảo ngẩn ngơ trông theo.

Chiều hôm ấy về nhà Hảo đã buồn, đã day dứt vì câu nói lửng lơ trách móc của Thái. Nàng nằm vùi trong phòng lòng dạ ngổn ngang, Hình như Thái cũng yêu nàng, người ta có yêu mới trách móc thế? Đúng lúc ấy tiếng hát cuả Khánh Ly trong radio vọng ra  một bài hát của Vũ Thành An, đến câu: “Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó, sẽ đưa em sang đâu? Mưa bên chồng có làm em khóc…” đã làm nàng bật khóc nức nở. Nàng tủi thân hình dung một chiều mưa ủ ê ở Xóm Mới mà thương nhớ cơn mưa đẹp như thơ tận bên cầu chữ Y. Thì ra người nàng yêu chỉ là Thái. Nàng không thể quên Thái.

Hôm sau Hảo đã liều lĩnh quyết định, hẹn gặp Đạo, hủy đính ước “dạm ngõ” Nàng xin lỗi Đạo và gởi lời xin lỗi cả gia đình Đạo. Nàng không thể lấy Đạo vì không yêu anh.

Hảo đã tạt một gáo nước lạnh vào mặt Đạo và gia đình Đạo làm họ bẽ bàng tức giận. Dì Minh người mai mối và cha mẹ Hảo cũng mất mặt không kém.

Làm người khác tổn thương Hảo cũng thấy lòng mình thương tổn, đau như muối xát. Hảo như sống trong địa ngục, bị cha mẹ mắng chửi, đay nghiến suốt một thời gian dài. Mẹ nàng tinh ý hiểu ra vì Hảo yêu Thái, bà tức giận cấm chỉ Thái không được bước chân vào nhà này.

Nhưng bà khỏi cấm. Thái có đến nữa đâu dù Hảo đã có nhiều cách báo tin cho chàng hay nàng đã “từ hôn” và vẫn là cô gái chưa có người yêu.

Rồi một thời gian sau đến lượt Hảo bẽ bàng đớn đau khi Hảo nghe tin Thái đã cưới vợ. Chàng đã có người yêu từ lâu hay mới có sau này khi nghe tin Hảo sắp lấy chồng? Hảo oán trách Thái sao không ngỏ lời với nàng? Rồi Hảo ân hận chỉ vì Thái, nàng đã từ bỏ Đạo và làm cho nhiều người khổ lây.

Không lấy được Thái, không lấy Đạo, vài  năm sau Hảo cũng đi lấy chồng, tìm an phận bên chồng con mà nàng vẫn mang trong lòng món nợ tình với Đạo, mong muốn có cơ hội gặp lại anh để nói lời xin lỗi. Và Thái nữa, chàng không quân đẹp trai hát hay hay hát cũng nợ nàng một lời xin lỗi vì đã vô tình quá đỗi để cho nàng hi vọng chờ mong một mối tình vô vọng.

Không ngờ sau một thời gian dài dì Minh bặt tăm giận dỗi mẹ con Hảo, bỗng một hôm dì xuất hiện, Mẹ Hảo lo lắng dì Minh sẽ nhắc lại sẽ hờn trách chuyện cũ. Dì Minh nhắc lại chuyện cũ thật nhưng vui mừng  kể rằng cha mẹ Đạo… rất cám ơn cuộc từ hôn của Hảo năm đó; nhờ thế con trai họ lấy vợ một nơi vừa ý hơn, tương xứng hơn. Gia đình vợ của Đạo giàu có với nghề làm giò chả xóm Ông Tạ, vợ Đạo xinh đẹp lại buôn bán giỏi giang họ hiện có 2 con gia đình hạnh phúc.

Nghe tin này Hảo thở phào nhẹ nhỏm coi như giữa nàng và Đạo chẳng nợ gì nhau. Chỉ còn Thái nợ nàng, yêu hay không sao không nói một lời.

Hảo đã đến Mỹ mấy chục năm qua và Hảo cũng biết tin Thái đã mang cả gia đình sang Mỹ từ 1975. Hảo đôi lúc nghĩ đến Thái vẫn còn chút hờn giận chưa xóa nhòa trong ký ức, vẫn còn chút ấm ức con người vô tình ấy đã làm tổn thương nàng và nợ nàng một lời xin lỗi.

Hôm nay vợ chồng Hảo với tư cách thân hữu được mời tham dự một Đại hội Không quân ở  nam California. Đây là đại hội lớn các không quân ở mọi nơi về họp mặt. Dù sao Hảo cũng một thời yêu người lính không quân, yêu cả binh chủng không quân của chàng nên nàng rất vui khi được tham dự và trong thâm tâm hi vọng biết đâu sẽ gặp lại Thái, chỉ để xem người xưa của lòng nàng giờ ra sao cho thỏa chí tò mò và cho bõ ghét nếu anh ta bây giờ là một ông già đầu hói nhẵn bóng, bụng phệ, gương mặt cau có nhăn nhó khó ưa. “Thái không quân” mà “xuống cấp” như thế thì nàng sẽ hả hê xóa tội ngày xưa cho anh ta ngay.

Hảo đang ngồi ăn và nghe chồng chuyện trò với một ông cùng bàn thì bỗng chú ý khi nghe MC giới thiệu một tiếng hát không quân nồng ấm ngọt ngào của Nguyễn Văn Thái. Cái tên bình thường giản dị đi đâu cũng gặp, nhưng cái tên đi kèm với lời khen hát hay hát ngọt của chàng không quân hào hoa thì không dễ gì gặp.

Hảo giật mình tim thót lại không dám nhìn lên sân khấu, sợ mình nghe lầm sẽ thất vọng, vờ mải mê hóng tiếp chuyện chồng với ông cùng bàn nhưng tai vẫn lắng nghe. Thái đang nói gì đó trước khi cất tiếng hát. Đúng là kiểu nói, giọng nói của Thái ngày xưa, giọng nói mà Hảo từng nghe chàng rót mật vào tim.

Ông cùng bàn nhìn lên sân khấu và chuyển đề tài:

- Anh chàng “Thái không quân” đẹp trai hát hay này ngày xưa đã đốn bao trái tim người đẹp; người yêu chàng và người chàng yêu đếm không xuể. Thái lấy vợ là người đẹp tiếp viên Hàng không Việt Nam thế mà tình vẫn chưa yên, vẫn hào hoa bay bướm ban phát săn đón, ngọt ngào cho những phụ nữ khác. Vợ ghen, vợ khổ tâm vì chồng, chịu không nổi phải ly dị, cứ thế mà cho đến nay Thái 3 đời vợ.

Ông  cùng bàn chắc là bạn thân của Thái nên ông biết rành rẽ về Thái như thế.

Hảo quay nhìn lên sân khấu và lặng người trong phút giây, đúng là Nguyễn Văn Thái của nàng dù chàng đã già theo tuổi – dĩ nhiên – nhưng chàng không thay đổi tàn nhẫn bởi thời gian như nàng vừa tưởng tượng. Sao ông trời lại chiều chuộng người đàn ông “hư” này đến thế.

Chàng hanh hao dáng  gầy, phong trần mái tóc bạc hoa râm, nhưng vẫn điệu đàng đeo kính mát hàng hiệu màu trà nâu ,và miệng vẫn là nụ cười thân ái chẳng ai nỡ chối từ. Nếu bà vợ thứ ba hiện nay không khéo giữ thì chàng sẽ dư sức tiếp tục đến bà vợ thứ tư nữa đấy.

Hảo định mở túi xách lấy ra chiếc kính mát đeo lên vì ngại Thái sẽ nhìn xuống nhận ra nàng vì bàn nàng khá gần sân khấu. Nhưng có lẽ nàng quá lo xa, làm sao mà Thái nhận ra người phụ nữ béo mập lại mang đầu tóc giả kiểu ngắn bồng bềnh, để che đi mái tóc rụng lưa thưa, là em Hảo ngân hàng của chàng ngày xưa với dáng thon thả, với mái tóc dài lãng mạn buông lơi bay bay trong gió đi bên chàng trên hè phố Sài Gòn những buổi chiều Chủ nhật đông vui.

Trời xui đất khiến sao Thái lại hát Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An “Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau?”

Hảo không ngờ Bài Không Tên Cuối Cùng của Vũ Thành An lại đúng y chang với cuộc đời nàng, cứ như là sao chép từ cuộc đời nàng.

Hảo bỗng thấy nhẹ lòng, thấy mình may mắn ngày ấy đã không được Thái yêu và cưới nàng làm vợ, nếu được thì nàng đã là người vợ đau khổ, người vợ cũ thứ nhất trong số 3 đời vợ của chàng.

Nàng không thèm trách hay giận hờn Thái nữa, coi như Thái chẳng nợ gì nàng và nhất là không bao giờ nàng đủ can đảm xuất hiện trước mặt Thái để “hỏi tội” chàng với dung nhan xế chiều “bề thế“ của nàng hiện nay. Nàng không muốn mất đi hình ảnh Hảo xinh đẹp trong danh sách những người đẹp ngày xưa trong ký ức chàng.

Hảo thề trong lòng từ giờ trở đi không bao giờ đi dự Đại hội Không quân nữa.

Hảo, với Đạo với Thái chỉ đi qua đời nhau, không duyên phận với nhau và chẳng ai nợ gì nhau.

Nguyễn Thị Thanh Dương - April. 01, 2025